Được tin buồn:
GS ĐẶNG Đình ÁNG
Cựu giáo sư Đại Học Khoa Học Saigon
Cựu trưởng Ban Toán ĐHKHSG
đã mệnh chung ngày 29-8-2020
tại Việt Nam
hưởng thọ 94 tuổi
Chúng tôi xin thành thật phân ưu cùng tang quyến GS Đặng Đình Áng.
Cầu chúc hương linh Giáo Sư sớm được về cõi Vĩnh Hằng.
Một số cựu đồng sự và sinh viên Đại Học Khoa Học Saigon
Hà Ngọc Kim Anh, Nguyễn Thị Phương Anh, Cao Xuân An, Đỗ Ngọc Bách, Bùi Huy Bình, Vũ Duy Chân, Trần Hữu Chí, Huỳnh Văn Công, Nguyễn Trút Đỉnh, Phạm Khắc Hàm, Võ Thế Hào, Hồ Văn Hoà, Phạm Thi Tuân, Hoàng Lê Hùng, Trịnh Gia Khánh, Lưu Thanh Lâm, Tôn Thất Long, Trần Như Long, Lê Văn Mão, Phùng Trung Ngân, Trần An Nhàn, Đỗ Hữu Phước, Đỗ Minh Tiết, Nguyễn Đức Tiến, Nguyễn Hữu Tính, Lê Thị Thu Vân, Đinh Quốc Vượng, Lưu Thị Bạch Tuyết, Trương Thiệu Hùng, Vũ Duy Phách, Nguyễn Thúy Dung, Chu Ngọc Thủy, Đỗ Quang Thọ, Đặng Hồng Tiệm, Trịnh Toàn, Nguyễn Thị Thu Đồng, Tạ Trần Tấn, Huỳnh Văn Khánh, Nguyễn Điền Thuận, Nguyễn Thông Minh, Trần Thạnh, Trần Ngọc Lym, Trần Ngọc Cân, Nguyễn Phước Hậu, Trần Ngọc Ẩn, Phạm Giệm Cường, Phạm Ngọc Hiền, Phạm Kim Anh, Chu Văn Hải, Nguyễn Thanh Khuyến, Lê Công Kiệt, Phạm Quốc Kiệt, Tô Ngọc Anh, Hà Dương Cự, Huỳnh Thị Nhạn, Phạm Thị Thảo, Nguyễn Thế Văn, Hà Đức Long, Nguyễn Vũ Công, Lê Vân Tú, Quách Anh Hoà, Hà Phụng, Trương Công Nghệ, Lê Văn Thục, Từ Hòa Ái, Nguyễn Thị Xuân Mai.
Thân thế và Sự nghiệp của GS Đặng Đình Áng
Giáo sư Đặng Đình Áng sinh năm 1926 tại Hà Tây. Năm 1953 đến 1955, ông học môn Kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Kansas và nhận bằng cử nhân tại đó. Sau đó, ông vào Viện Công nghệ California (Caltech) và nhận bằng tiến sĩ với một luận án về giải tích và cơ họcnăm 1958.
Ông làm việc tại CalTech hai năm rồi về nước năm 1960. Tại Việt Nam, ông đảm nhận Trưởng ban Toán của Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Với địa vị trưởng ban, ông đã hiện đại hóa chương trình giảng dạy và đưa vào một số môn chưa từng được dạy như toán học tô pô, đại số trừu tượng, và giải tích hàm. Ba năm sau, ông thành lập chương trình chứng chỉ sau đại học “toán học thâm cứu” (Mathematiques Approfondies). Ông làm trưởng ban cho đến năm 1975, sau đó ông làm Giám đốc Viện nghiên cứu Giải tích cho đến năm 1994.
Năm 1988, ông làm chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1995 ông chịu trách nhiệm chính cho sự thành công của hội nghị toán học quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút nhiều nhà toán học lớn đến từ Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Pháp tại Hà Nội.
Gia đình
Ông kết hôn với bà Bùi Thị Minh Thy năm 1950. Ông bà có năm người con, ba gái và hai trai. Họ cũng là những người thành đạt: người con gái lớn của ông là một bác sĩ nhi khoa, hai cô gái út là tiến sĩ toán học và thạc sĩ dạy Anh ngữ, còn hai người con trai đều là tiến sĩ toán học tại các viện đại học tại Hoa Kỳ.
Gia đình Giáo sư Đặng Đình Áng có nhiều người thành danh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: Nhà thơ Đặng Đình Hưng là anh ruột; nhạc sĩ Thái Thị Liên là chị dâu và các nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn và Đặng Hồng Quang là cháu ruột của ông.
Nghề nghiệp
Nhà sư phạm, Nhà nghiên cứu toán học, nghệ sĩ thổi sáo. Năm 1982, Giáo sư Đặng Đình Áng đã hướng dẫn bảo vệ thành công cho tiến sĩ toán học đầu tiên ở miền Nam. Giáo sư Áng cũng đã đào tạo được 12 tiến sĩ toán học Việt Nam có trình độ quốc tế và nhiều thạc sĩ, cử nhân toán học.
Nghiên cứu về Toán: giải tích và cơ học.
GS Đặng Đình Áng là giáo sư toán học nổi tiếng của Việt Nam. Ông nguyên là Trưởng ban Toán của Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn và là chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là người đầu tiên đưa toán học hiện đại vào miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được biết đến như một nghệ sĩ thổi sáo (flute) tài hoa với nhiều CD nhạc hòa tấu thính phòng hay. Ông được xem là một nhà giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành toán học Việt Nam.
Tác phẩm
• Hơn 130 bài báo trong lĩnh vực phi tuyến và cơ học được công bố trên các tạp chí toán học trong và ngoài Việt Nam.
• Sáu cuốn sách chuyên đề về giải tích và cơ học, trong đó có cuốn: Dang Dinh Ang, Rudolf Gorenflo, Vy Khoi Le, Dang Duc Trong. Moment Theory and Some Inverse Problems in Potential Theory and Heat Conduction. Springer Berlin Heidelberg.
• CD nhạc hòa tấu thính phòng do chính Giáo sư Đặng Đình Áng (flute) cùng nhóm nhạc Hoa Sen tổ chức thực hiện.
. “Trong Ngần Bóng Gương”. Đây là một tuyển tập của các đồng nghiệp và học trò của Thầy Áng viết về Thầy. Hai người chủ biên là Nguyễn Dũng và Nguyễn Xuân Xanh.
Lời vàng
• “… Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt”.
• “… Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt Nam, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”.
Nhận xét
• “Dù là một người hấp thu nền giáo dục phương Tây nhưng thầy Đặng Đình Áng vẫn nguyên vẹn một tâm hồn Việt với những bản sắc tốt đẹp nhất.” Giáo sư Dương Minh Đức (Chủ tịch Hội Toán học TPHCM).
Ghi chú
1. Dr. habil. NGUYỄN XUÂN XANH (19/03/2006). “Nhà toán học với chiếc sáo bạc”. Báo Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2014.
2. Sa Nam (13/01/2010). “GS-TS toán học, Nghệ sĩ flute Đặng Đình Áng”. Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2014.
3. Nguyen Huu Anh, Nguyen Xuan Xanh, Tran Duc Van (1995), “Dang Dinh Ang, The First Seventy Years” (PDF), ACTA Mathematica Vietnamica 20 (2): 165–169
4. Huỳnh Nga (Thứ Sáu, 11/03/2011). “Một đời với nghiệp trồng người”. Báo Người Lao động Điện tử. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2014.
5. Moment Theory and Some Inverse Problems in Potential Theory and Heat Conduction
6. Khoa Toán – Tin học (13/01/2010). “GS. Đặng Đình Áng”. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
GS Đặng Đình Áng, năm 80 tuổi
TTCN – Những ngày giữa tháng ba này nhiều người trong giới toán học TP.HCM đón nhận một tin vui: GS Đặng Đình Áng tròn 80 tuổi! Thật đáng vui mừng vì thầy Áng vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn tự chạy xe máy, tiếp tục làm toán và thổi sáo, rất hăng say với công việc, như một dòng sông lúc sắp đổ ra biển: chảy càng mạnh càng rộng lớn ra và càng mang nặng phù sa.
GS Đặng Đình Áng là người đã đóng góp đúng 46 năm liền không mệt mỏi cho ngành toán học nước nhà, không chỉ căn cứ trên 130 bài báo về nhiều đề tài nghiên cứu trong toán học đăng trên các tạp chí quốc tế và nhiều đầu sách chuyên đề, trong đó có một chuyên đề được xuất bản bởi NXB nổi tiếng Pringer (CHLB Đức), mà còn ở ý nghĩa GS là người được giới toán học thế giới công nhận như một nhà toán học uy tín của VN trong chuyên ngành của mình.
GS Đặng Đình Áng đã từng là khách mời phát biểu ở nhiều hội nghị quốc tế, là giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Utah (Mỹ), ĐH Paris, ĐH Orléans (Pháp), Viện nghiên cứu Mauro Picone (Roma), từng được học bổng DFG (Deutsche Forschungsgesellschaft) của Đức làm việc tại Berlin, một học bổng nghiên cứu dành cho những nhà nghiên cứu nổi tiếng; học bổng nghiên cứu tại ĐH Tokyo;
GS còn là người kết nối VN với năm châu, hướng dẫn và cùng hướng dẫn chung với các GS nước ngoài cho nghiên cứu sinh VN; và qua GS Áng, nhiều GS nước ngoài đã tham dự các hội nghị toán học tại VN; GS đã đào tạo được rất nhiều nghiên cứu sinh thành đạt đang làm việc trong và ngoài nước (trong đó có ba người con của ông).
Người đầu tiên đưa toán học hiện đại vào miền Nam. Nhìn lại nền toán học non trẻ VN những năm 1960; ở miền Nam có thể nói nó mới manh nha cũng vào lúc GS Áng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Hoa Kỳ về nước, được giao ngay trọng trách làm trưởng khoa toán của ĐH Khoa học Sài Gòn khi mới 34 tuổi (1960), vào lúc đại học đang cần chuyển ngữ và chuyển quyền.
Ngày ấy, chứng chỉ toán đại cương là cái cửa ải “rùng rợn” nhất đối với hàng trăm SV mới, bởi mỗi năm chỉ có vài người lọt qua được! GS Áng đã giúp thay đổi tình hình thi “thách đố” đó, đưa nó về tình trạng bình thường. GS cũng là người đầu tiên đã mang toán học hiện đại vào miền Nam như một luồng gió mới, đào tạo ngay những lớp toán học hiện đại đầu tiên cho SV khoa toán và sư phạm.
Toán học phía Nam đã nhanh chóng có tính chất hiện đại của thế giới, lan dần ra như một đốm lửa nhóm lên xung quanh GS Áng và các học trò. Các SV của GS sau khi tốt nghiệp, khi ra nước ngoài tiếp tục học không bị bỡ ngỡ. Mặt bằng trình độ cũng được nâng cao bằng chứng chỉ toán thâm cứu nhằm đưa SV sau cử nhân đến gần với nghiên cứu và sáng tạo.
Từ đó, có những SV trước khi lên đường du học đã có những bài nghiên cứu đầu tay được đăng trên báo nước ngoài hoặc nhờ đó mà tìm được học bổng du học. “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác” và “Tôi rất thích học, học từ thời Pháp, rồi thời gian vào Sài Gòn, lúc ở Trường CalTech, về đây vẫn tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước” – GS khiêm tốn nói. Đó chính là tinh thần kết hợp giảng dạy và nghiên cứu của nhà cải cách đại học Đức Wilhelm Humboldt đầu thế kỷ 19.
Sau 30-4-1975, GS đã chọn con đường ở lại đất nước để tiếp tục đóng góp cho ngành toán học TP.HCM và đào tạo các lớp SV trẻ có năng khiếu, một quyết định cũng không phải là đương nhiên đối với một nhà khoa học được đào tạo theo Tây học từ nhỏ, từng du học, từng sống và từng được mời ở lại nước ngoài giảng dạy.
Ông được Nhà nước phong GS trong đợt phong học hàm đầu tiên sau giải phóng (năm 1980). “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, có rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người VN ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”.
Trong sự nghiệp của tôi, tình thương là tinh thần dẫn dắt.
Âm nhạc và toán học
Ban nhạc Hoa Sen (năm 2000)
“Mỗi lần về thăm làng, tôi lại ra tắm ở cái hồ lớn rồi nhìn về núi Trầm và lại nhớ da diết những ngày còn bé, tôi cùng anh (Đặng Đình) Hưng thường ra đó. Chúng tôi cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ. Về sau, tôi thường tự hỏi: có phải chính ngọn núi này đã khơi gợi cho anh em tôi những khát vọng trong đời?”.
“Tôi mê sáo tre từ nhỏ, sang Mỹ thì mua được cây sáo bạc. Âm nhạc có tác dụng rất quan trọng với việc học tập và nghiên cứu toán của tôi. Cũng như âm nhạc, toán là một nghệ thuật”.
Hai câu ấy của GS cho thấy ông đã có một khao khát trong nội tâm từ thuở nhỏ mà ngọn núi Trầm chỉ là cái biểu lộ bên ngoài và cũng là để đánh thức thêm sự định hướng bên trong; còn tiếng sáo tre đánh thức cái sở thích âm nhạc đã tiềm tàng trong GS (ông là chú ruột của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn).
Người ta thường thấy GS với chiếc sáo bạc, cũng giống như người ta thường thấy Einstein với cây đàn vĩ cầm, ngay cả khi vào họp trong viện hàn lâm. “Chơi nhạc là một cách thiền – GS nói – Âm nhạc, nhất là nhạc cổ điển, như một phép dưỡng sinh giúp tôi thấy thanh thản, tĩnh tâm, yêu đời”. Nhạc của Mozart, như một nhà khoa học Đức nói, “đẹp và tinh khiết” đến độ có thể được xem như “vẻ đẹp nội tâm của vũ trụ”. Đó cũng là âm nhạc GS Đặng Đình Áng thích nhất.
Âm nhạc cộng với sở thích văn học của GS, đó là mảnh đất văn hóa đem lại sức sống và nuôi dưỡng sự sáng tạo, làm cho GS tuy tuổi cao nhưng không già, tuy tóc bạc nhưng tâm hồn vẫn xanh tươi, những ngọn sóng của tư duy và cảm hứng yêu đời vẫn dạt dào trong trái tim như xuất phát từ một đại dương không bờ.
Triết lý sống của GS Đặng Đình Áng là nhân hậu, vị tha, có trước có sau, là thương yêu xã hội, thương yêu con người. “Phải có tình thương mới làm được việc lớn”. Lời khuyên của GS đối với thanh niên trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hão huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thật sự”.
Hãy xem căn phòng đơn sơ cũ kỹ của ông ở số 162 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM. Hạnh phúc của GS không nằm ở vật chất mà ở thế giới tinh thần, ở lao động say mê, ở âm nhạc, ở sự hài hòa với vũ trụ, với xã hội, ở mỗi ngày học hỏi thêm và đào tạo học trò.
GS chỉ sống với “đạo làm người”, muốn gieo nhiều cái tốt, cái thiện và tránh cái xấu, cái dữ. Nhưng có lẽ nói như Einstein: “Trong xã hội nhuốm màu vật chất chủ nghĩa phổ biến thì những người nghiên cứu (khoa học) nghiêm túc là những người duy nhất có tín ngưỡng sâu xa”. Họ như những người đi tìm cái “đạo” trong thế giới khoa học.
Tháng 12-2006 sẽ có một hội nghị toán học quốc tế tại TP.HCM để mừng GS Đặng Đình Áng 80 tuổi. Chắc chắn người ta sẽ lại thấy GS với chiếc sáo bạc tại hội nghị. Tiếng sáo của GS sẽ tiếp tục ngân lên hòa quyện với những giai điệu toán học mới.
Trong một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng năm 2000, GS Đặng Đình Áng viết: “Quê hương là dải đất có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy”.
Thưa GS Đặng Đình Áng, quê hương cũng còn được tạo ra bởi những người vẫn còn sống yêu quê hương và miệt mài lao động để cho đất nước mau chóng vươn lên giành một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc. Trong những người còn sống làm nên quê hương đó có GS.
Dr. habil. NGUYỄN XUÂN XANH
NHỮNG BÀI HỌC LỚN TỪ THẦY ĐẶNG ĐÌNH ÁNG
Nguyễn Hữu Anh và Đặng Đức Trọng,
Trường ĐHKH Tự Nhiên Tp Hồ Chí Minh
Quyển Kỷ yếu “Trong ngần bóng gương” kỷ niệm ngày sinh thứ 80 của GS Đặng Đình Áng có giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Thầy, các giai thọai về Thầy, và những kỷ niệm sâu sắc của các học trò và bạn bè, đồng nghiệp của Thầy. Vì thế trong bài phát biểu này, tôi sẽ không nhắc đến các chi tiết ấy mà chỉ xin rút ra 4 bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy :
1/ Bài học thứ nhất là để thành công trong công việc gì, nhất là trong sự nghiệp cả đời, cần phải có quyết tâm và tập trung cao độ, nhưng vẫn phải luôn tự đổi mới. Trong suốt quá trình giảng dạy và nghiên cứu, Thầy luôn luôn tập trung vào lãnh vực chính là Giải tích Toán học qua hơn 120 bài báo đã công bố, nhưng vẫn thường xuyên đổi mới nội dung nghiên cứu Giải tích ở từng thời kỳ, bất kể tuổi tác của Thầy.
Xin nhắc lại rằng, Thầy vốn là một kỹ sư hàng không và được đào tạo về Toán Ứng dụng (Cơ học Môi trường liên tục) ở tại Học viện Công nghệ California CalTech. Tuy nhiên, đầu những năm 60 thế kỷ trước Thầy về Saigon dạy học, và để mang đến cho anh em chúng tôi những kiến thức mới về Toán Lý thuyết lúc bấy giờ qua các môn Topo, Giải tích Hàm, Giải tích Thực , Thầy đã phải cố gắng tự nghiên cứu rất nhiều. Quả thực anh em chúng tôi trong thế hệ sinh viên đầu tiên,đã rất thích thú tiếp thu những kiến thức mới này, và nhất là phương pháp dạy học bình dị của Thầy: Thầy luôn luôn khuyến khích anh em chúng tôi tự học, tự nghiên cứu hơn là nhồi nhét kiến thức, kết quả là cả chục sinh viên đã dược Thầy trực tiếp hoặc gián tiếp gửi đi đào tạo tiếp ở nước ngoài và đã đạt được những thành công nhất định.
Đến những năm 70, ở tuổi bước qua “tứ thập nhi bất hoặc” để đi vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu sang lãnh vực Giải tích Toàn cục, Lý thuyết Điểm Bất động và Phương trình Vi-tích phân. Kết quả là một lọat luận án Tiến sĩ đầu tiên do Thầy hướng dẫn đã ra đời, trong đó luận án của GS Dương Minh Đức là luận án Tiến sĩ đầu tiên được bảo vệ ở phía Nam sau năm 75.
Sang những năm 80 của thế kỷ trước, dù đã bước vào tuổi 60, Thầy lại một lần nữa đổi mới nội dung giảng dạy và nghiên cứu. Lần này Thầy chuyển hướng sang nghiên cứu về Phương trình Đạo hàm riêng, giải quyết những Bài toán ngược, Bài toán không chỉnh. Hơn phân nửa các công trình nghiên cứu của Thầy đã được công bố trong giai đoạn này. Trong số những người bảo vệ luận án Tiến sĩ trong giai đoạn này và tiếp tục nghiên cứu thành công có thể kể đến Đặng Đình Hải và Lê Khôi Vỹ, hiện đang giảng dạy ở Mỹ và Đăng Đức Trọng, hiện là Trưởng Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh.
Cuối cùng ở tuổi 70 sang 80, các công trình về Phương trình của Thầy Áng đã hướng tới với Cơ học, tình yêu đầu đời của mình. Thầy đã cùng các học trò và đồng nghiệp công bố trên 20 bài báo trong đó sử dụng công cụ Phương trình tích phân phi tuyến, phương trình đạo hàm riêng để giải các bài toán thú vị trong Cơ học và Địa Vật lý.
Cũng cần nói thêm các kết quả to lớn Thầy đã đạt được đã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền Toán học ở miền Nam, và qua đó góp phần phát triển nền Toán học của cả nước. Thật vậy trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi Trường Đại học Khoa học Saigon còn phôi thai, nước Pháp tuy có gởi sang ta những Giảng viên Toán giỏi, nhưng họ chủ yếu dạy cho sinh viên Việt Nam cách học để thi cử. Thầy Áng đã đào tạo một đội ngũ các nhà nghiên cứu trình độ cao về lĩnh vực Bài toán ngược và Phương trình Đạo hàm riêng. Giám Đốc ĐHQG Tp. HCM luôn mong mỏi hình thành được các trường phái nghiên cứu khoa học của ĐHQG có đẳng cấp quốc tế. Giáo sư Đặng Đình Áng đã thành công trong việc xây dựng một trường phái như vậy về bài toán ngược và phương trình đạo hàm riêng tại Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp. HCM. Vì xuất thân là kỹ sư hàng không, lối giảng dạy của thầy Áng mang tính ứng dụng rất cao. Vì thế, trường phái Toán học tại Tp. HCM có đặc điểm lớn là hướng rất mạnh sang lĩnh vực Ứng dụng Toán học
2/ Bài học thứ hai là bài học về quan điểm giảng dạy. Khi Thầy về nước, ngoài những kiến thức mới như đã nói trên, Thầy còn mang về một phương pháp học tập mới: đó là tự học và tham gia nghiên cứu khoa học sớm. Các sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản vừa đủ để tham gia nghiên cứu khoa học. Các kiến thức cơ bản không học dàn trải một cách tràn lan như nhiều người vẫn nghĩ, thầy thường nói “học nhiều thối óc”. Chỉ khi đã đạt mức độ sâu trong lĩnh vực nghiên cứu mới mở rộng hay chuyển sang lĩnh vực khác. Tôi còn nhớ ngay khi học năm Thứ Ba, ngoài những môn quen thuộc, chúng tôi còn ghi tên học các môn MA I và MA II (Toán học thâm cứu). Thầy đã giao cho chúng tôi đọc các tài liệu rất mới Thầy mang từ Mỹ về như Đại số hàm, Đại số các hàm giải tích là các hướng nghiên cứu rất thời thượng lúc bấy giờ. Các năm sau đó cũng vậy, Thầy luôn luôn giới thiệu cho sinh viên những vấn đề rất mới, qua đó giúp cho những người làm Toán ở miền Nam được tiếp cận với các hướng nghiên cứu hiện đại. Mặt khác, với uy tín khoa học của Thầy và qua đông đảo bạn bè, Thày đã thành công trong việc mời nhiều nhà Toán học có uy tín trên thế giới tham dự các kỳ Hội thảo quốc tế do Thầy tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao vị thế của nền toán học Việt Nam trên thế giới và khu vực. Truyền thống sinh viên tham gia nghiên cứu sớm ngày nay vẫn còn được tiếp tục tại Khoa Toán-Tin học, các sinh viên giỏi khi ra trường đã có thể có một hay hai bài báo quốc tế.
3/ Bài học thứ 3 mà tôi muốn nhắc đến là cách xử thế tuyệt vời của Thầy. Thầy luôn luôn giúp đỡ mọi người, không chỉ riêng học trò của mình qua các việc như là nhận xét một luận án, tham gia hoặc chủ trì Hội đồng chấm luận án Tiên sĩ cấp Nhà nước, và đăc biệt là tích cực ủng hộ họ trong các cuôc họp của Hội đông ngành Toán. Mặt khác, Thầy luôn luôn vun đắp và mở rông các mối quan hệ bạn bè. Từ tình bạn lâu đời với GS L. Knopoff ở UCLA, GS E. Hewitt ở Washington State University, hay GS D. Daykin ỡ Nanyang University, nay là ĐH Quốc gia Singgapore vào những năm 50, 60, đến các quan hệ bạn bè mới sau này như với các GS Alain Phạm, K. Smith, R. Gorenflo, …, Đối với họ, Thầy không chỉ là bạn bè mà còn là cộng tác viên trong những công trình nghiên cứu Toán học. Kể cả những người chỉ thoáng gặp qua Thầy như GS P. Cartier, cố GS M. Boujot, họ luôn giữ tình cảm trìu mến với Thầy nhiều năm sau này.
Trong nước, Thầy là một trong số ít nhà Toán học được giới Toán học cả hai miền quý mến. Từ cố GS Lê Văn Thiêm trước đây đến các GS Nguyễn Đình Trí, Phan Đình Diệu và sau này các GS Nguyễn Duy Tiến, Hà Huy Khoái, Trần Văn Nhung, Ngô Việt Trung và Nguyễn Hữu Việt Hưng, họ luôn nhắc đến Thầy với lòng quý trọng.
Có lẽ để đạt được kết quả này, ở Thầy đã tỏa ra tinh thần thân ái bao la. Đây có thể do ảnh hưởng của Nho gia, mặc dù Thầy theo tân học. Nổi trội nhất trong ảnh hưởng của Nho giáo, qua cách xử thế của Thầy, có lẽ là Đạo Trung Dung. Thật vậy, ở Thầy, Đạo Trung Dung đã được thể hiện một cách tự nhiên và đúng mực nhất. Có lẽ nhờ vậy mà Thầy luôn luôn giữ được thăng bằng, thoát khỏi các cuộc mâu thuẫn kéo dài để có thể tập trung vào chuyên môn. Khi nói đến một con người, Thầy luôn nhìn thấy khía cạnh tốt đẹp ở họ hơn là chỉ nhĩ đến điều xấu. Thầy hay nói “arsenic tuy là một chất độc, nhưng vẫn được dùng để chữa răng”.
4/ Bài học cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến là nhân sinh quan lạc quan của Thầy. Có lẽ nhờ đó mà Thầy đã vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống đầu những năm 60 thế kỷ trước và năm 1975, khi Thầy có cơ hội xuất cảnh ra nước ngoài, nhưng đã chọn ở lại với đất nước, với học trò và đồng nghiệp. Chính nhờ tinh thần lạc quan mà Thầy đã vượt qua được những lúc khó khăn nhất trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước đầu những năm 80. Trong lúc điều kiện làm việc không thuận lợi, Thầy vẫn vui vẻ dạy học trò và hàng ngày lấy việc đi bộ ra chợ làm thú vui nho nhỏ. Thầy cũng đã đem tinh thần lạc quan đến cho nhiều học trò của mình. Những năm gần đây, khi ngồi uống rượu vang với tôi, Thầy hay nói “mình ở đây sướng thật!”
Và có lẽ cũng với tinh thần lạc quan đó, Thầy đã lấy các buổi hòa nhạc, nhất là các buổi hòa nhạc của Câu lạc bộ Hoa sen để tô thêm nét đẹp cho các kỳ Hội nghị Quốc tế mà Thầy đứng ra tổ chức. Ở Thầy việc thổi sáo đã được nâng lên từ thú vui tao nhã thành một nghề chơi cũng lắm công phu.
Với phong cách làm việc và sống như trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng kết ở tuổi 80, Thầy đã có hơn 120 bài báo, phần lớn đăng trên các tạp chí và kỷ yếu Hội nghị Quốc tế, Thầy đã được mời đi thỉnh giảng từ Mỹ đến Châu Âu, Từ Nhật Bản đến một số nước Đông Nam Á. Bạn bè Thầy có ở khắp nơi và vẫn còn giữ liên lạc với Thầy. Cho đến gần đây, nhiều người vẫn sắp xếp đến dự các Hội nghị Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống riêng của Thầy cũng rất hạnh phúc. Thầy với Cô sống với nhau hơn 60 năm, qua cái tuổi mà người ta vẫn tổ chức “Đám cưới Vàng” và “Đám cưới Kim cương”. Thầy hay nhắc lại câu chuyện: khi Thầy nhận được bằng Ph.D ở CalTech thì Cô cũng nhận được bằng Ph.T (Put your husband through) trên đó có chữ ký của Thày. Thầy và Cô có năm người con thì ba người đã theo đuổi sự nghiệp Toán học. Cô con gái đầu và cô con gái út tuy theo ngành khác nhưng có chồng lại là những người làm Toán.
Tóm lại, có thể nói rằng Thầy là một Sĩ phu Bắc hà nhưng đã thành danh và hoàn danh ở Saigon-TP.Hồ Chí Minh.
Đến đây, tôi xin mượn mấy câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ để gửi tặng Thầy:
Nhà nước yên mà Sĩ được thung dung,
Bấy giờ Sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch,
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi,
Măc ai hỏi măc ai không hỏi tới,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này Sĩ mới hoàn danh.
Thông Tin Toán Học, Tập 15 Số 03, Tháng 09 năm 2011
Hội Toán Học Việt Nam
Bài mới nhất trong trang nhà của GS Nguyễn Xuân Xanh.
GS Đặng Đình Áng (16. 3. 1926− 29. 8. 2020). Ảnh năm 1995 của gia đình
Chúng tôi vô cùng đau buồn xin báo tin Giáo sư Đặng Đình Áng, người thầy, người chồng, người cha, người chú, người bạn đồng nghiệp, sau nhiều năm trọng bệnh đã vĩnh viễn ra đi lúc 10 giờ 07′ sáng ngày 29. 8. 2020, hưởng thọ 94 tuổi. Tuy biết rằng rồi ai cũng phải ra đi, nhưng chúng tôi không tưởng tượng nổi sự mất mát của con người đã hằn sâu trong ký ức của bao nhiêu học trò, của Đại học Khoa học Sài gòn từ hơn nửa thế kỷ, đã dành nhiêu bao nhiêu công lao và tình cảm cao quý cho nhiều nhiều thế hệ sinh viên cũng như đồng nghiệp, và được bao nhiêu người mến thương. Nay GS Đặng Đình Áng đã vĩnh viễn trở về lòng đất mẹ. Ông có lẽ là một trong rất ít nhà giáo dục khoa học của Sài gòn những năm 1960 còn sót lại. Cả một thế hệ từng xây dựng nền đại học Sài gòn lần lượt ra đi.
Đương thời, ông nghĩ về quê hương và con người qua câu nói sâu sắc:
Quê hương là dải đất, có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy.
Giờ đây quê hương có thêm nấm mồ của ông, một đứa con đã sống trọn vẹn và cống hiến với hết cả trái tim của mình cho sự nghiệp giáo dục đất nước và chan hòa trong tình yêu quê hương. Cái tính yêu đời, lạc quan, khoan dung, nhân hậu, tôn trọng người khác, tính nghệ sĩ, tình yêu tha thiết toán học, yêu âm nhạc, yêu quê hương, yêu văn hóa, là những đặc điểm nổi bật ở ông.
Không ai làm toán ở miền Nam trước 75 và cả Việt nam sau 1975 không biết đến GS Đặng Đình Áng. Ông là một người gốc nhà nho, cháu 7 đời của danh-hiền Đặng Đình Tướng, một trong 4 danh hiền thời hậu Lê bên cạnh các bậc danh hiền Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được đào tạo theo Tây học, là học sinh trường Bưởi đến Tú Tài I, rồi được học bổng Fulbright sang Mỹ học, đậu tiến sĩ năm 1958 ngành hàng không học, cũng là thởi điểm thế giới, nhất là Hoa Kỳ bị sửng sốt về vệ tinh Sputnik đầu tiên (1957/58) của Nga được phóng lên quỹ đạo trái đất.
Ông là người đã mang toán học hiện đại vào phía Nam đầu thập niên 60, được giao chức vụ Khoa trưởng Khoa toán của Đại học Khoa học Sài gòn lúc 34 tuổi để làm cuộc cải cách giáo dục toán ở đại học, cùng với cuộc cải cách đại học, phong trào chuyển ngữ cả miền Nam đang diễn ra lúc đó. Ông đã đem ngọn gió mới vào đại học, gây một sự hưng phấn trong các sinh viên toán. Toán học không những được hiện đại hoá mà còn được nâng cấp lên bậc Cao học. Sinh viên được hướng dẫn bước vào đường nghiên cứu và có thể công bố kế quả nghiên cứu của mình ở những tạp chí quốc tế, dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp. Ông vừa dạy, vừa nghiên cứu, vừa tự học thêm. Tinh thần đại học của Humboldt – sự kết hợp nghiên cứu và giảng dạy − thấm đượm ở ông.
GS Đặng Đình Áng là một tấm gương lớn của sự tự học và phấn đấu. Ông đã tự học để thi tú tài I ở Hà nội, rồi Tú Tài II ở Sài gòn, tự học Anh ngữ, rồi tự học tại đại học Kansas để rút ngắn chương trình cử nhân, tiếp tục tự tìm tòi học hỏi khi về Việt nam làm việc, và như thế trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông. Ông khiêm tốn nói: “Tôi rất thích học, thời Pháp học, thời gian vào Sài gòn học, ở CalTech học, về đây tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước”. Đó là một tinh thần tự lập, một đặc tính của những nhà nghiên cứu có sức phấn đấu cao. Điều kiện làm việc của các nhà khoa học Việt nam tuy rất eo hẹp, tài liệu, báo chí khoa học rất khan hiếm, đại học Saigòn còn non trẻ, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng giáo sư vẫn giữ vững nghiên cứu và ‘đánh thông’ con đường giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài, bảo đảm cho nghiên cứu vẫn tiếp tục một cách thành công.
Tấm gương của ông là tận tuỵ chăm sóc sinh viên. Ông nói: “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác”. Ông luôn luôn tin tưởng vào con người Việt Nam: “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”. Thầy cũng đã có lời khuyên quý giá cho những người trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42 km, phải biết giữa sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hảo huyền, làm sao để càng về sau sàng khổng lồ, đó mới là kết quả thực sự.”
GS là một con người văn hoá và của âm nhạc. “Anh tôi (Đăng Đình Hưng) và tôi là những người đầu tiên trong gia đình đi vào âm nhạc. Chúng tôi cảm thấy âm nhạc chảy trong máu vào lúc chúng tôi tiếp xúc vói nó. Và bây giờ thế hệ của Đặng Hồng Quang, Đặng Thái Sơn tiếp nối.” Ông say mê tiếng sáo tre từ nhỏ ở làng. Chiếc sáo bạc ông mua ở Mỹ năm 1956 trở thành một người người bạn đồng hành “bất khả ly thân” của ông, giống như chiếc đàn vĩ cầm của Einstein. Ông đã bắt đầu hoà nhạc với Viện Văn Hoá Đức Goethe từ năm 1973. Người ta vẫn thường thấy ông biểu diễn trên sân khấu, nhất là những lúc có hội thảo toán học quốc tế. Ông không những thích âm nhạc riêng cho mình, “mà ông thật sự quan tâm tới đời sống, sinh hoạt âm nhạc, với giới hoạt động âm nhạc tại thành phố này” như nhạc sĩ Đặng Hồng Quang nói. Ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, cựu phó giám đốc nhạc viện thành phố và Đặng Hồng Quang, trưởng khoa bộ môn piano, thành lập nhóm nhạc thính phòng Hoa Sen nhằm tổ chức những buổi hoà nhạc cổ điển cho giới khoa học với sự tham gia của các nhạc sĩ trong và ngoài nước có tính cách nghiệp dư. Mục đích sâu xa của GS là nâng cao và mở rộng trình độ văn hoá trong giới khoa học. Ông cũng là người rất yêu thích văn chương, yêu thích các nhà văn của Tự lực văn đoàn, và những nhà văn cổ điển Pháp.
Thổi sáo năm 2006 lúc ông mừng sinh nhật 80t
Đại diện của báo Tuổi Trẻ tặng hoa và quà
GS là con người Tây học nhưng có một tâm hồn đầy ắp bản sắc Việt nam. “Tôi thổi Mozart bằng tâm hồn Việt. Thổi để không quên dân ca mình. Tôi ăn món ăn nước ngoài cũng bằng dạ dày Việt. Ăn để thấy các cụ nhà ta thật sành…ẩm thực”. Ông là một khuôn mặt đại biểu, một đại sứ của Việt nam trong mắt các đồng nghiệp nước ngoài. Ông luôn luôn hãnh diện làm một con người Việt nam một cách rất tự tin.
Tại thời điểm 1975, những tình cảm đối với quê hương, sinh viên, đại học, đã chiến thắng những câu hỏi đi hay ở. Ông quyết tâm ở lại, chấp nhận chịu đựng và chia sẻ, đóng góp và tiếp tục dẫn dắt các thế hệ sau. Ông tin vào những “thửa đất vàng” của Việt Nam cần được chăm bón tốt hơn. Năm 1980 ông là một trong những người được phong hàm Giáo sư đầu tiên của nước Việt nam thống nhất, cùng với GS Hoàng Tuỵ, Phan Đình Diệu và một số người khác.
Ông đã có hơn 130 công trình nghiên cứu toán học có giá trị được công bố ở nước ngoài, nhiều sách giáo khoa và chuyên đề. Ông đã đào tạo 12 tiến sĩ trong nước có những công trình tương đương với tiến sĩ thế giới. Ông được nhiều đại học Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Đức mời đến đọc thuyết trình, được làm khách mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế, và được trao nhiều học bổng nghiên cứu tên tuổi quốc tế. Nhiều học trò ông hiện đang tiếp tục đào tạo sinh viên ưu tú toán để gửi đi du học. Lực lượng toán học ngày càng đông, và rất nhiệt tình lên đường tiếp nối. Một số khác đứng trên bục giảng các trường phổ thông trung học. Năm 1996, để kỷ niệm GS 70 tuổi, một hội nghị quốc tế đã đươc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 30 nhà toán học nước ngoài. Điều đó nói lên sự trân trọng của cộng đồng toán học nước ngoài đối với những đóng góp toán học và uy tín của GS Đặng Đình Áng.
GS Đặng Đình Áng là ngọn cờ toán học ở phía Nam, một cây đại thụ đem bóng mát lại cho nhiều thế hệ phát triển, và tiếp tục ngày càng đông đảo hơn. Ông là người tạo hình cho những tâm hồn toán học đầu tiên Việt nam, thu hút và đánh thức những tài năng có dịp đến với ông. Ông là một nhân cách vượt trội, và là một con người văn hoá, một nghệ sĩ sống hài hòa với vương quốc âm nhạc. Tất cả những gì qua tay ông đều mang tính nghệ thuật. Tư duy, khám phá toán học và sống hài hòa với âm nhạc là những niềm vui của ông, bên cạnh niềm vui được sống hạnh phúc trên quê hương, bên mái ấm gia đình. Ông sống bình dị, nhân hậu, chân thật, vượt lên mọi cái xấu. Gặp ông, thế giới của cái xấu, của sự chối tai tan biến nhường chỗ cho một thế giới hài hoà, trong sáng và thi vị.
Một nhà toán học tiên phong thành đạt, say mê toán học, tận tuỵ với sinh viên, một tấm gương văn hoá, một nhân cách, một con người nhân hậu, giãn dị, một tấm lòng dạt dào tình cảm quê hương, một nhân tố kết nối thế giới: những tố chất đó đã hội tụ trong một con người mà xã hội không phải dễ có được.
Khát vọng của một cuộc hành trình tri thức đến với ông tự bao giờ? Nó đến từ lúc còn bé như ông đã kể cho người cháu ruột, nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn:
Mỗi lần về thăm làng, chú lại ra tắm ở cái hồ lớn, rồi nhìn về núi Trầm. Lúc đó, lại nhớ da diết những ngày còn bé, chú cùng bố Hưng thường ra đấy. Hai anh em cùng nhìn lên núi, mỗi người theo đuổi một ước mơ riêng. Về sau, chú thường tự hỏi: “Có phải chính ngọn núi này đã khơi dậy trong hai anh em những khát vọng ở đời?”
***
Giờ đây chúng tôi vĩnh viễn mất đi một người thầy dẫn dắt, thương yêu và truyền cảm hứng trên đường toán học, một người luôn luôn biết sống trong “hiện tại và bây giờ”, giữ cho mình không gian sống tự do và sáng tạo trước mọi hoàn cảnh khó khăn. Một người thầy luôn luôn vẫn giữ được nét trẻ, hồn nhiên và thánh thiện, như Einstein. Ở ông, tri thức có thể tăng trưởng qua tự rèn luyện, và thực tế luôn luôn là như thế, nhưng nhân cách của ông là cái gì thiên phú, chỉ có phát triển thêm và thăng hoa. Nếu nhà triết học Đức Johann Gottlieb Fichte nói rằng học giả là người nghệ sĩ tự do, freier Künstler, thì ông đúng là mẫu người như thế với sự cảm thụ nghệ sĩ đặc biệt. Và âm nhạc, như Gottfried Wilhelm Leibniz nói, cũng chính là một dạng của toán học: “Âm nhạc là sự thực hành số học ẩn khuất của một tinh thần vô ý thức đang tính toán”. Phải chăng chính cái gen âm nhạc của ông đã có duyên bén rễ sang vương quốc toán học?
Ông không phải là týp người chạy theo vật chất. Ông sống rất đơn giản, và thấy hạnh phúc khi tìm thấy cái lớn lao trong cái đơn giản đó. Ông cũng không chạy theo danh vọng, cái không thay thế được những giá trị tinh thần, đạo đức, văn hóa và tình yêu đích thực đối với toán học và con người, và cái có thể có nguy cơ đánh mất những giá trị đích thực đó. Một con người khoa học đích thực không thể không có cuộc sống đơn giản, nhưng sâu sắc, và đầy lý tưởng.
Ông lao động mà không biết tuổi hưu, không biết khái niệm “về hưu”, không có sự chấm hết tình yêu đối với toán học, vẫn miệt mài nghiên cứu cho đến khi căn bệnh làm cho ông bất lực lao động. Bởi vì với ông, toán học là tiếng gọi chứ không phải là một nghề. Ông là týp người khoa học lý tưởng mà xã hội và văn hóa Việt Nam đang cần tới để xây dựng một nền văn hóa mới. Ông là một con người khoa học tiêu biểu của một quốc gia văn minh và phát triển. Ông là nguyên khí quốc gia.
Xin cám ơn Thầy đã bao nhiêu năm luôn luôn dẫn dắt, uốn nắn, là động lực sáng tạo, niềm vui, là biểu tượng của một nhân cách đẹp đẽ, của con người văn hóa, là sự chia sẻ ngọt bùi trong những năm tháng khó khăn nhất, để cho nhiều thế hệ học làm nhà nghiên cứu, và học làm người. “Thầy ra đi”, như người học trò Trần Thạnh của những nhăm sau 1975 viết, “nhưng di sản tinh thần Thầy để lại sẽ được các lớp học trò nhiều thế hệ gìn giữ và phát huy, để nền toán học Việt Nam có một chỗ đứng xứng đáng trên diễn đàn toán học thế giới”. “Gương sáng này nhiều anh em”, như người sinh viên trong lứa đầu Phạm Gia Thụ viết, “cũng như tôi, đã và đang theo đuổi, để tiếp tục xây đắp căn nhà toán học Việt Nam, tân tiến nhưng lúc nào cũng nhân ái”.
Trong sự thương tiếc vô hạn, xin mãi mãi cám ơn Thầy, và ghi tâm khắc trí những lời thầy dặn: sống theo tấm gương cao quý của Thầy, có tinh thần tự lực, cố vượt khó khăn, kết nối với thế giới, trung thành với khoa học, sống chia sẻ và chan hòa, và có trách nhiệm đối với quê hương.
Xin vĩnh biệt Thầy.
Nguyễn Xuân Xanh
Thay mặt cho các đồng môn