CP160 – Cờ “Chín Tướng”
Cờ “Chín Tướng” là một phương tiện giải trí đơn giản và rất xưa của người Âu châu, có nguồn gốc từ thời đế quốc La mã (27 BC – 476 AD). Cờ “Chín Tướng” hay “Chín Tướng của Morris” là tên dịch tạm thời của tên tiếng Anh “Nine Men’s Morris”. Cờ cũng có nhiều tên khác như: Merelles, Muehle, Molenspel, Mill. Trung Hoa cũng có cờ tương tự gọi là “Yih”.
Cờ “Chín Tướng” là một trò chơi có tính chiến lược giữa 2 người. Bàn cờ gồm 3 hình vuông lồng vào nhau và nối với nhau bằng 4 cái cầu qua trung điểm của các cạnh như trong Hình 1. Các cạnh của 3 hình vuông và 4 cầu gọi chung là các đường trên bàn cờ.
Đỉnh và trung điểm các cạnh của 4 hình vuông là 24 vị trí, gọi là “Trạm”, mà con cờ có thể được đặt vào hay di chuyển tới.
Người chơi cờ mỗi bên sẽ có 9 con cờ màu khác nhau, thí dụ: một bên màu trắng, một bên màu đen. Quy ước về số con cờ có thể thay đổi, thí dụ như 3, 6, 12 thay vì 9. Mỗi con cờ được xem là 1 ông “Tướng”, mỗi bên có 9 ông Tướng (!). Đó là lý do tên “Nine Men’s Morris” của bàn cờ!
Cách chơi cờ: gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn bày trận và Giai đoạn di chuyển.
Giai đoạn bày trận:
Hai người chơi tuần tự mỗi người đặt một con cờ của mình cho đến hết vào một trong 24 vị trí cho phép trên bàn cờ, theo những quy luật sau đây:
– Người nào đặt được 3 con cờ của mình tại 3 trạm liên tiếp của một đường trên bàn cờ, được gọi là một “Vách tường”, thì có quyền lấy ra 1 con cờ bất kỳ của đối thủ. Con cờ lấy ra nầy không phải là con cờ của một vách tường có sẵn của đối thủ.
– Sự đặt để các con cờ trong giai đoạn nầy phải được tính toán cẩn thận sao cho người chơi được nhiều thuận lợi trong giai đoạn tiếp theo. Kinh nghiệm cho rằng trong giai đoạn nầy, người chơi nên rải cờ ra hơn là nhắm vào việc tạo ra vách tường và phạm vào lỗi là tập trung cờ của mình tại một vùng nào đó của bàn cờ.
Giai đoạn di chuyển
Giai đoạn nầy tiếp theo ngay sau giai đoạn bày trận, tức là nguời đầu tiên đặt cờ trong giai đoạn đầu cũng là người đầu tiên di chuyển cờ trong giai đoạn hai. Hai người thay phiên mỗi lần di chuyển 1 con cờ của mình. Quy ước di chuyển cờ như sau:
– Cờ chỉ có thể di chuyển trên các đường, từ một trạm sang trạm kế bên mà thôi.
Thí dụ: Trong Hình 2, cờ đen có thể di chuyển từ trạm c4 đến trạm c5 hay trạm c3.
Cờ trắng có thể di chuyển từ trạm e3 đến trạm d3.
– Cũng giống như trong giai đoạn bày trận, người chơi phải cố gắng tạo các “Vách tường” cho phía mình để có thể lấy ra 1 con cờ của đối thủ. Nhắc lại là con cờ lấy ra không thể nằm trong một vách tường có sẵn của đối thủ.
– Nếu một người di chuyển 1 con cờ mà tạo được 2 vách tường cho phía mình, thì
người đó lấy được 2 con cờ của đối thủ.
– Ngoài cố gắng tạo “Vách tường” cho phía mình, người chơi cũng phải cố gắng ngăn chận sự di chuyển của đối thủ. Một tình trạng lý tưởng dẩn đến thắng lợi là người chơi có được 1 con cờ có thể di chuyển qua lại 2 vách tường của phía mình. Thí dụ, trong Hình 2, cờ trắng chỉ cần di chuyển từ e3 sang d3 rồi từ e3 trở về d3 là bảo đảm sẽ thắng cuộc!
Kết thúc ván cờ
Ván cờ “Chín Tướng” kết thúc khi người thua (i) không thể nào di chuyển cờ của mình được, hay (ii) chỉ còn 2 con cờ
Vài chiến lược để thắng cờ “Chín Tướng”
a) Các trạm ở trung điểm các cạnh của hình vuông giữa thuận lợi nhất vì có 4 hướng di chuyển.
b) Trạm ở các đỉnh của 3 hình vuông kém thuận lợi nhất vì chỉ có 2 hướng di chuyển.
c) Trạm ở trung điểm các cạnh của 2 hình vuông trong và ngoài có 3 hướng di chuyển
d) Trong giai đoạn bày trận,
– Người đi trước có lợi thế hơn vì có thể chiếm ít nhất 2 trạm thuận lợi nhất
– Đặt cờ sao cho có thể tạo được hơn 1 vách tường. Tuy nhiên, đừng cố tạo cơ hội cho
đối thủ dồn mình và thế bị bao vây do các con cờ ngăn chặn của đối thủ.
– Cố gắng tách rời cờ của đối thủ, không để vách tường có cơ hội xảy ra.
e) Trong giai đoạn di chuyển,
– Cố gắng đoán xem đối thủ định tạo vách tường ở đâu và di chuyển cờ thế nào để vừa
ngăn cản, vừa có thể giúp mình tạo được một vách tường đơn, hay đôi càng hay.
– Khi được lấy ra 1 con cờ của đối thủ, tìm con cờ có triển vọng nhất tạo thành vách
tường cho đối thủ trong các bước kế tiếp.
– Khi tạo được 1 vách tường, di chuyển 1 con cờ của vách tường rồi di chuyển trở lại
nếu không bị ngăn cản
– Khi di chuyển 1 con cờ của 1 vách tường và tạo được 1 vách tường khác, bạn đã tạo
được 1 vách tường đôi. Di chuyển con cờ đó đi qua đi lại, bạn có thể làm cạn cờ của
đối thủ nhanh chóng và phần thắng nắm chắc trong tay bạn.
Chúc bạn thành công. T.H. tiếc rẻ là vào thời học sinh của mình, T.H. chỉ biết chơi cờ Tic-tac-toe, cờ gánh, cờ oughts-and-crosses nhàm chán, chớ đâu biết đến cờ “Nine Men’s của Morris”!