CP264 – Bảng Pythagore
Ở lớp Một, lớp Hai tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo thường bắt học trò học thuộc bảng cửu chương từ 1 đến 12 với lý do là “để làm toán nhân cho nhanh”. Các em nhỏ cứ thế mà “tụng” 2 lần 1 là 2, 2 lần 2 là 4, ….. như két mà không chút suy nghĩ, thắc mắc. Một thí dụ của các bảng cửu chương như sau:
Cách cấu tạo của các bảng cửu chương trên có ưu điểm là dễ hiểu, dễ học thuộc lòng và dễ nhớ. Nhưng khuyết điểm là cồng kềnh, chứa nhiều khoảng trống vô ích, học sinh phải học từ bảng riêng biệt, thuộc bảng nhân 1 rồi mới học đến bảng nhân 2, sau đó mới đến bảng nhân 3, vv …
Đó là chưa nói đến tính thụ động mà các bảng cửu chương trên đã sớm mớm vào trí óc non trẻ của các em nhỏ.
Về từ vựng thì gọi chung các bảng nhân 1, nhân 2, nhân 3, …. , nhân 12 là bảng cửu chương cũng không chính xác vì “bảng” phải là một cái gì cô động, bao gồm tất cả các bảng trên cũng như các biến thể của các bảng trên, thí dụ như 3 lần 2 là 6, 4 lần 2 là 8, 5 lần 2 là 10, …
Bảng Pythagore
Từ thời xa xưa, các thầy cô giáo như Pythagore, đã dùng bảng sau đây khi dạy các em nhỏ làm toán nhân, gọi là bảng Pythagore:
Bảng Pythagore rất cô động, không chứa những khoảng trống vô ích và chứa rất nhiều tin tức. Không khó để thấy rằng bảng Pythagore bao gồm bảng cửu chương trong Hình 1 và gồm cả các biến thể của bảng cửu chương trên như 3 lần 2 là 6, 4 lần 2 là 8, 5 lần 2 là 10, … (số đầu thay đổi, số sau không thay đổi). Trẻ em khi đi đến trường chỉ cần mang theo một bảng Pythagore nhỏ là đủ!
Muốn biết 5 x 8 bằng bao nhiêu, thầy giáo không cần bắt trẻ em phải thuộc cửu chương 5 hay 8. Thầy giáo chỉ cần dạy trẻ em:
– Bắt đầu từ số 5 trên cột thứ nhất, vẽ một đường thẳng kéo dài qua phải theo chiều ngang
– Bắt đầu từ số 8 trên hàng thứ nhất, vẽ một đường thẳng kéo thẳng xuống theo chiều dọc
– Hai đường thẳng nầy cắt nhau tại số 40. Đó là kết quả của phép nhân 5 x 8
Bảng Pythagore còn cho thấy bình phương của các số từ 1 đến 9, các số trên đường chéo theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Thí dụ: bình phương của 4 là 16.
Nhưng điểm hữu dụng của bảng Pythagore là tạo dịp để trẻ em suy nghĩ, tìm đúng chỗ của 2 số phải nhân để thấy kết quả. Lâu dần, trẻ em cũng sẽ thuộc các bảng cửu chương như trong Hình 1 một cách dễ dàng.