ĐỌC VUI VÀ SUY NGHĨ

Cổ vũ lòng yêu thích các trò chơi hữu ích cho sự luyện tập trí óc trong cộng đồng người Việt

KQNC34 – Việt Luận phỏng vấn tác giả sách ‘Mathematical Chess’



Lời tòa soạn:  Tiến sĩ George Ho, tên Việt Hồ văn Hoà, bút hiệu Thuận Hoà, cộng tác với Việt Luận, phụ trách trang ‘Đọc Vui và Suy Nghĩ’, trong một thời gian dài từ năm 2011 đến năm 2016. Ông là tác giả quyển sách ‘Mathematical Chess’ hay ‘Cờ Toán Học’, do nhà xuất bản Xlibris phát hành hồi cuối tháng Sáu năm nay và sẽ ra mắt với đồng hương Sydney trong một ngày gần đây. Việt Luận có cuộc tâm tình với ông và xin ghi lại dưới đây.

Việt Luận:  Câu hỏi đầu tiên là xin tác giả cho biết vài nét về thân thế của mình.

Tác giả:  Tôi học trung học Trương Vĩnh Ký từ năm 1952 đến năm 1959, tốt nghiệp ban Toán trường Đại học Sư phạm Saigon năm 1962, đổ Cử nhân Toán năm 1965 và Tiến sĩ Khoa học năm 1975 tại Đại học Khoa học Saigon. Tôi dạy Toán tại trung học Hồ ngọc Cẩn, Gia Định, trong 7 năm, sau đó là giảng sư trong ban Nguyên tử, phân ban Vật lý lý thuyết, tại Đại học Khoa học Saigon cho đến khi sang Úc năm 1980.

Việt Luận:  Xin tác giả cho biết động lực nào đã thúc đẩy tác giả nghiên cứu và hoàn thành trò chơi Cờ Toán Học nầy?.

Tác giả:  Khi định cư ở Úc, tôi được biết trình độ Toán của học sinh Úc càng ngày càng xuống dốc so với trình độ quốc tế: từ năm 2011, cấp lớp 4 Toán từ hạng 18 tuột xuống hạng 28 năm 2015, cấp lớp 8 Toán từ hạng 12 tuột xuống hạng 17 năm 2015 ( theo báo cáo TIMSS 2015). Với học sinh ở cấp tuổi 15, Australia ở hạng 25 với 494 điểm, kém xa một số nước Á châu như Singapore (564), Hong Kong (548), Macao (544), Taiwan (542), Japan (532), Korea (524) (theo báo cáo PISA 2015).

Về lý do đưa đến sự trì trệ của trình độ Toán của học sinh Úc, tác giả nói tiếp:

Có 3 lý do: (i) sự phát triển của kỹ nghệ điện tử với những sản phẩm cầm tay có khả năng thực hiện nhiều phép tính phức tạp, làm học sinh thấy học toán không còn cần thiêt nữa.
(ii) sự phát triển của các trò chơi điện tử làm học sinh mất hứng thú và buồn chán khi học toán, và (iii) sự thiếu sót một trò chơi có tính cách giáo dục, nhiều thử thách, ganh đua, và thích thú đủ để lôi cuốn sự chú ý của học sinh.

Việt Luận:  Xin tác giả cho biết những đặc điểm của Cờ Toán Học, chúng có khác với Cờ Tướg, Cờ Tây không?.

Tác giả:  Khác với Cờ Tướng (Chinese Chess) và Cờ Tây (European Chess) với những con cờ không liên quan gì với Toán học, Cờ Toán Học sử dụng các chữ số với các phép tính làm các con cờ. Bàn cờ và cách đi cờ thì đơn giản hơn, chỉ có đi ngang và đi dọc. Vị trí ban đầu của các con cờ không cố định như với Cờ Tướng, Cờ Tây. Cờ Toán Học có đầy đủ các lợi ích mà Cờ Tướng và Cờ Tây có, là: luyện tập trí nhớ, óc suy luận, phân tích, nhận xét, lòng kiên trì, hoạch định kế hoạch, giải quyết khó khăn. Hơn nữa, Cờ Toán Học còn có một lợi ích khác là giúp phát triển những kỹ năng toán số như tính toán, tính nhanh, tính nhẩm. Có thể nói vắn tắt, Cờ Toán Học cố gắng đưa những lợi ích của trò chơi cờ trực tiếp vào việc học Toán.

Việt Luận:  Như vậy thì Cờ Toán Học giúp học sinh tiến bộ về Toán như thế nào?.

Tác giả:  Cờ Toán Học là một trò chơi có tính cách giáo dục và giải trí giữa hai nguời. Nó không phải là một môn học về Toán như Hình học, Đại số, … trong lớp học. Tôi có viết trong thư mời tham dự lễ giới thiệu sách, Cờ Toán Học ‘có thể giúp tạo lại niềm tin, sự ham thích và say mê Toán học trong tâm trí của giới trẻ ngày nay’. Nếu có sự ham thích và say mê Toán học, thì học sinh không khó khăn gì đạt đuợc sự tiến bộ về Toán trong hiện tại và thành công trong tuơng lai.

Việt Luận:  Xét một thí dụ cụ thể như sau: mỗi năm, bộ giáo dục NSW có tổ chức các kỳ thi trắc nghiệm NAPLAN cho học sinh các cấp lớp 5, 7 và 9. Trong các kỳ trắc nghiệm đó, đều có môn ‘Numeracy’, Cờ Toán Học giúp học sinh đuợc gì trong môn trắc nghiệm đó?. VL đặt câu hỏi này thay mặt cho một số độc giả có con em sắp dự các kỳ thi NAPLAN năm tới.

Tác giả:  NAPLAN là chương trình quốc gia đánh giá những kỹ năng cơ bản tiếng Anh và Toán số (Numeracy) của học sinh Úc so với tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia mà chính phủ đã đặt ra. Tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia trình bày vài kỹ năng và sự hiểu biết của học sinh thường được biểu hiện trong cấp lớp của chúng, về một môn học hay một lãnh vực nào đó. Kết quả thi ‘Numeracy’ được xếp trong 6 bậc. Bậc kế bậc thấp nhất là bậc của tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia. Bốn bậc trên là các bậc đạt tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia. Thí dụ, ‘Numeracy’ cấp lớp 9 có 6 bậc, từ 5 đến 10. Bậc 6 là bậc của tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia.
Như vậy, đạt đuợc hay đạt hơn tiêu chuẩn tối thiểu quốc gia trong trắc nghiệm ‘Numeracy’ của NAPLAN không phải là khó khăn nếu thí sinh đã tập dượt nhiều với Cờ Toán Học và học đuợc những lợi ích do trò chơi nầy mang lại như tính toán, lanh trí, phân tích, quan sát, quyết định, vv. Ngoài ra, sự ham thích, say mê Toán học do Cờ Toán Học mang lại, giúp học sinh tiếp thu đuợc nhiều kiến thức Toán học trong chương trình họ ở lớp, cũng là một yếu tố giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong trắc nghiệm ‘Numeracy’ của NAPLAN.

Việt Luận:  Trong thư mời tham dự lễ giới thiệu sách, có câu ‘Mathematical Chess là một trò chơi có tính cách giáo dục, uyển chuyển, đầy thách thức và hào hứng, có thể giúp tạo lại niềm tin, sự ham thích và say mê Toán học trong tâm trí của giới trẻ ngày nay’, tôi nghĩ tác giả viết hai chữ ‘tạo lại’ một cách cố ý có đúng không? tại sao lại tạo lại? có phải vì niềm tin đó đã mất hay không? Và mất từ bao giờ?. Xin tác giả xác nhận.

Tác giả:  Cám ơn Việt Luận đã đọc rất kỹ thư mời và đã hỏi tôi câu nầy. Đúng, tôi đã viết hai chữ đó một cách cố ý. Niềm tin và sự ham thích, đam mê Toán học của giới trẻ ngày nay đã hay gần như đã mất từ khi có cuộc cách mạng vũ bão của kỹ nghệ điện tử. Thời tôi cỏn trẻ, khoảng 6, 7 chục năm về truớc, kỹ nghệ điện tử còn rất phôi thai, không có điện thoại cầm tay, không có trò chơi điện tử, học sinh ai cũng đua nhau học toán, thi đua giải toán, tính nhẩm, tính nhanh như gió , …. . Than ôi, thời đó nay còn đâu! Tôi chỉ còn đặt hi vọng vào trò chơi Mathematical Chess. Mong rằng nó có thể giúp tạo lại niềm tin, sự ham thích và say mê Toán học trong tâm trí của giới trẻ ngày nay.

Việt Luận:  Lanh quanh vòng ngoài cũng đã nhiều, bây giờ chúng ta vào vòng trong. Xin tác giả cho biết vắn tắt về cấu tạo của Cờ Toán Học, cách xây dựng, vận hành và kết thúc của một ván Cờ Toán Học như thế nào.

Tác giả:  Cờ Toán Học đuợc chơi trên một bàn cờ hình vuông gồm 9 đuờng thẳng ngang và 9 đuờnh thẳng dọc. Các con cờ gồm có 10 chữ số: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 6 phép tinh: công, trừ, nhân, chia, luỹ thừa (bình phuơng và lập phuơng), và căn số (căn số bậc hai và căn số bậc ba).
Một ván Cờ Toán Học gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là ‘Lựa chọn’, Tuỳ theo trình độ của người chơi, số các chữ số, số và tên các phép tính có thể lựa chọn được. Thí dụ, một ván cờ đơn giản mỗi bên chỉ có 7 chữ số và 2 phép cộng, 1 phép trừ. Giai đoạn 2 là ‘Sửa soạn’, hai người chơi luân phiên đặt các con cờ cuả minh vào bàn cờ. Người chơi cờ quen coi giai đoạn nầy là quan trọng, là giai đoạn thiết kế vị trí các con cờ thế nào để dễ ăn cờ của đối phương sau nầy (Strategy planning). Giai đoạn 3 là ‘Đi cờ’. Để đi cờ đúng, nhanh, và không bỏ lỡ dịp ăn cờ của đối phương, người chơi phải thuộc nằm lòng 10 định nghĩa và 12 quy luật của Cờ Toán Học, được giải thích cùng với thí dụ đầy đủ trong sách.
Một ván cờ kết thúc khi một trong các trương hợp sau đây xảy ra: (i) tất cả các con cờ chữ số hay tất cả các con cờ phép tính đều bị đối phương ăn hết, đối phương là người thắng cuộc, (ii) thời gian giới hạn đã hết. Thời gian giới hạn do trọng tài (nếu có) hay do chính hai người chơi tự định tuỳ theo mức khó khăn của ván cờ. Thời gian giới hạn mặc định là 30 phút.
Khi ván cờ bị ngưng ngang vì hết giờ, thắng thua có thể dựa vào điểm từ số cờ ăn đưoc của đối phương, 2 điểm cho một con cờ phép tính và 1 điểm cho một con cờ chữ số. Người có tổng số điểm cao hơn thì thắng cuộc. Ván cờ hoà khi điều kiện thắng thua xảy ra cùng một lúc cho 2 người chơi.

Việt Luận:  Trước khi chấm dứt, xin hỏi tác giả có kỳ vọng gì về sách Mathematical Chess hay không?.

Tác giả:  Thưa, có chứ. Tôi mong rằng sách sẽ được các cơ quan giáo dục ở Úc hổ trợ để Cờ Toán Học trở thành một trò chơi thông dụng, hữu ích trong các trường học, có thể giúp tạo lại niềm tin, sự ham thích và say mê Toán học trong tâm trí của học sinh ngày nay, làm nền tảng cho những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục Toán học của nước Úc trong tương lai. Mong thay!.

Việt Luận:  Câu chuyện cũng đã dài, chúng ta có thể chấm dứt ở đây. Xin cám ơn tác giả. Xin cám ơn Thuận Hoà. Tác giả có điều gì muốn gởi tới độc giả của Việt Luận không?.

Tác giả:  Cám ơn báo VL đã tạo điều kiện cho tôi được trình bày ý kiến. Buổi lễ giới thiệu sách “Mathematical Chess” sẽ được tổ chức ngày 17/12/2017, từ 2.00 pm đến 5.00 pm tại Trung tâm Văn hoá và Sinh hoạt Cộng Đồng NVTD Sydney, 6 Bibbys Place, Bonnyrigg, NSW 2177. Trân trọng kính mời quý độc giả đến tham dự cùng với con em.

Quý vị có thể liên lạc thẳng với tác giả:
Hồ văn Hoà,
Mobile: (+61) 0421 366 586,
Email: gho6724@gmail.com

 
%d bloggers like this: