Đôi lời về Ô chữ Việt Nam không dấu và có dấu
Trong mục “Đọc Vui và Suy Nghĩ” hàng tuần, Thuận Hoà đã giới thiệu với độc giả Ô Chữ Việt Nam không dấu với 3 Quy ước căn bản là:
- Chữ viết liền nhau, không kể khoảng cách hay các dấu ngăn
- Không kể các dấu thanh điệu: Sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng
- Chỉ giữ lại dạng gốc của những mẫu tự biến dạng từ gốc như:
a, ă, â => a; e, ê => e; o, ô, ơ => o; u, ư => u; d, đ => d
Phương pháp nầy có 3 điều thuận lợi:
- Tạo dễ dàng cho người làm Ô chữ: có nhiều cách để điền chữ vào một ô
- Người tạo Ô chữ có thể tạo dáng và có thể điều khiển độ khó khăn của khung Ô chữ
- Khung Ô chữ sáng sủa nhờ ít dùng các ô bôi đen
Tuy nhiên, phương pháp nầy cũng có vài bất lợi như:
- Lời giải không cho thấy rõ nghĩa của các chữ đã điền vào ô. Đó là lý do tại sao lời giải khung Ô chữ phải cần thêm các lời giải thích kế bên.
- Có nhiều chỗ cần hướng dẩn trong khung Ô chữ. Với kích thước 9×9, khung Ô chữ thường cần tới khoảng 30 hay ít hơn chỗ phải hướng dẩn.
(Mời xem thêm chi tiết trong tiểu mục “Quy ước Ô chữ VN” trong mục “Ô CHỮ VN TÀI LIỆU“)
Bắt đầu từ Kỳ BK017, Blog “Đọc Vui và Suy Nghĩ “có thêm sự cộng tác của một thanh niên trẻ đầy nhiệt quyết là bạn Thiên Vương. Với mục đich cổ vũ lòng yêu thích các trò chơi hữu ích cho sự luyện tập trí óc trong cộng đồng người Việt trong cũng như ngoài nước, bạn Thiên Vương sẽ phụ trách một mục mới có tên là “Ô Chữ Việt Nam có dấu”. Đây là một mục không định kỳ, tuy nhiên, với sự hổ trợ của Thuận Hoà, bạn Thiên Vương sẽ cố gắng cung cấp cho độc giả các Ô chữ Việt Nam có dấu thật đều đặn.
Cũng như Ô chữ Việt Nam không dấu, Ô chữ Việt Nam có dấu cũng có 2 măt. Mặt thuận lợi thì có:
- Rõ nghĩa. Lời giải của một khung Ô chữ nhìn vào là hiểu ngay, không cần phải giải thích thêm.
- Có ít chỗ phải hướng dẩn trong khung Ô chữ, khung kích thước 14×14 chỉ có trên dưới 20 chỗ phải hướng dẩn.
Tuy nhiên, Ô chữ có dấu, nhất là Ô chữ Việt Nam, có một yếu điểm rất quan trọng là có quá nhiều ô đen, làm cho khung Ô chữ tối tăm, khó tạo dáng và khó theo dỏi, nhất là Ô chữ còn phải tuân theo luật đối xứng qua tâm của khung. Đìều đó cũng đễ hiểu thôi. Việt ngữ có nhiều dấu thanh sắc, có ích lợi về mặt âm điệu như trong thơ, văn, âm nhạc, nhưng lại hay gây khó khăn cho người tạo Ô chữ. Thí dụ, môt ô trên một cột nào đó đã có mẫu tự “ ẵ ”. Thật khó mả tìm được một từ nào đó ở hàng ngang chứa ô đó, có thể chấp nhận mẫu tự “ ẵ ”. Một cách giải quyết thường là ém ô đó giữa 2 ô đen! Thế là phải thêm 4 ô đen vào khung (vì đối xứng)!
Nói là không cần quy ước, nhưng Ô chữ Việt Nam có dấu thật ra cũng chấp nhận một quy ước là “Chữ viết liền nhau, không kể khoảng cách hay các dấu ngăn”.
Cũng như người chủ trương Blog “Đọc Vui và Suy Nghĩ”, bạn Thiên Vương rất hân hạnh được nhận những lời góp ý, đề nghị của độc giả bốn phương về mục “Ô Chữ Việt Nam Có Dấu” sẽ được bắt đầu từ Kỳ BK017. Điện thư của Thiên Vương là thienvuong192@gmail.com.
Độc giả cũng có thể gởi ý kiến qua Thuận Hoà, điện thư hvhoa@tpg.com.au.
“Đọc Vui và Suy Nghĩ” cũng rất hoan nghinh sự hợp tác của các độc giả khác bằng cách gởi cho Thuận Hoà những Ô chữ có dấu mà quí vị đã tạo được (kèm thêm tên hay bút hiệu nếu muốn). Xin lưu ý quí vị là các Ô chữ phải đối xứng qua trung điểm của khung.
Thuận Hoà
10 June 2011
Leave a Reply