ĐỌC VUI VÀ SUY NGHĨ

Cổ vũ lòng yêu thích các trò chơi hữu ích cho sự luyện tập trí óc trong cộng đồng người Việt

SKY298 – Y THUẬT MỚI: Trị ung thư dễ dàng như trị cảm

– Elizabeth Cohen, Phóng viên y học của CNN
– Đỉnh Sóng chuyển ngữ

image001

Tấn công tế bào ung thư

 Khi mới 4 tuổi, Nick Wilkins được chẩn đoán mắc bệnh leukemia (bệnh bạch cầu). Và chứng ung thư tiếp tục tái phát bất chấp những phương pháp trị liệu khác nhau của các bác sỹ. Lúc cậu ta được 14 tuổi, người bố nói cho cậu biết rằng các bác sỹ đã thử hóa học trị liệu (chemotherapy), xạ trị (radiation), thậm chí cấy tủy xương (bone marrow) lấy từ người chị của cậu. Đại để ông ta cho cậu biết là đã hết phương cứu chửa.

Tuy nhiên, có một cách chửa trị có thể thử thực hiện: đó là phương phá trị liệu đang thử nghiệm tại Đại học University of Pennsylvania. Khi ông hỏi cậu  có hiểu được hậu quả sẽ ra sao nếu phương pháp nầy không thành công, Nick tỏ ra khắc kỷ và trả lời rằng cậu hiểu mình có thể chết.

Một vài tháng sau, Nick rời nhà ở Virginia để đi sang Philadelphia và tham gia vào chương trình thử nghiệm nói trên. Phương pháp trị liệu mới đương nhiên rất khác với những phương pháp cũ mà cậu đã kinh qua trước đó.

Thay vì tấn công bệnh ung thư của cậu với những loại thuốc độc như chemotherapy và radiation, các bác sỹ ở Philadelphia dạy cho những tế bào miễn nhiễm của chính Nick có khả năng diệt được ung thư.

Hai tháng sau, cậu được chứng nghiệm là khỏi bệnh ung thư. Đến nay đã sáu tháng kể từ khi Nick (hiện 15 tuổi) nhận điều trị theo phương pháp dạy tế bào, và các bác sỹ không thể tìm thấy một vết tích nào của bệnh leukemia trong cơ thể của cậu.

Hai mươi mốt (21) thiếu niên khác cũng đã được điều trị với cùng phương pháp tại Bệnh viện The Children’s Hospital of Philadelphia, và 18 em như Nick trong số nầy đã bình phục hẳn. Một em đã bình phục được 20 tháng. Các bác sỹ ở Pennsylvania đã cho phổ biến những khám phá của họ hồi cuối tuần tại một cuộc hội nghị thường niên của Hiệp Hội American Society of Hematology.

 Một lãnh địa hoàn toàn mới của Y Học

Tại cuộc hội nghị, hai trung tâm ung thư khác – Memorial Sloan-Kettering ở New York và the National Cancer Institute – thông bao những kết quả của phương pháp miễn nhiễm trị liệu (immunotherapies) như phương pháp mà Nick đã nhận. Kết quả đó đầy hứa hẹn, đặc biệt khi những bệnh nhân vốn không thành công với hầu như tất cả những phương pháp khác.

Dr. David Porter, một bác sỹ huyết học và ung thư học cho biết, “Đây rõ ràng là một trong những tiến bộ hào hứng nhất mà tôi đã chứng kiến trong trị liệu ung thư trong 20 năm qua. Chúng ta đã đi vào một lãnh địa hoàn toàn mới của y học.”

Trong trị liệu, các bác sỹ trước tiên lấy ra những tế bào T-cells của bệnh nhân, tức những tế bào có một vai trò then chốt trong hệ miễn nhiễm. Sau đó, họ lập trình hóa những tế bào đó bằng cách chuyển vào những genes mới. Một khi được đưa trở lại vào cơ thể, mỗi tế bào được lập trình hóa nhân bội thành 10,000 tế bào. Những tế bào “đi săn” nầy sau đó sẽ truy nã và tiêu diệt ung thư trong cơ thể của bệnh nhân.

Chủ yếu, các nhà nghiên cứu đang cố huấn luyện cơ thể của Nick nhằm chống lại ung thư giống hệt cách cơ thể của chúng ta chống lại bệnh cảm thông thường.

Ngoài những bệnh nhân trẻ em, các khoa học gia ở Pennsylvania đã thư nghiệm trị liệu cho 37 người lớn đang mắc bệnh leukemia, và 12 người trong số họ đã hoàn toàn bình phục. Tám bệnh nhân nữa đang bình phục phần nào và nhận được những cải tiến trong điều trị.

Đương nhiên phương pháp điều trị làm cho bệnh có những triệu chứng như bệnh cảm trong một thời gian ngắn. (Nick bị cảm nặng đến độ phải đưa đến một bệnh viện cấp cứu.) Nhưng các bệnh nhân tránh được những phản ứng phụ dai dẳng nghiêm trọng hơn của chemotherapy cao cấp.

Pennsylvania hiện làm việc với những trung tâm y khoa khác để thử nghiệm phương pháp điều trị với nhiều bệnh nhân hơn, và họ dự tính sẽ thử nghiệm với những loại ung thư máu và sau đó là những khối u cứng (solid tumors).

Một tờ báo của đại học nầy cho biết họ đang có một giấy phép hợp đồng với công ty dược Novartis và đã hưởng lợi tài chánh đáng kể nhờ công cuộc thử nghiệm, và Porter cũng như những nhà phát minh khác của kỹ thuật nầy đã hưởng lợi tài chánh và có thể tiếp tục hưởng lợi trong tương lai.

Truy nã tế bào ung thư

Vấn đề lớn là liệu chứng bệnh leukemia của Nick có tái phát trở lại hay không. Các bác sỹ lạc quan một cách cẩn thận. Nhưng nghiên cứu mới bắt đầu từ năm 2010, và cho đến nay, nhịp độ tái phát tương đối thấp: trong số 18 bệnh nhân trẻ em khác  đã bình phục hoàn toàn, chỉ có 5 trường hợp tái phát; và trong số 12 người lớn hoàn toàn bình phục, chỉ có một trường hợp tái phát. Một số bệnh nhân người lớn đã khỏi hẳn ung thư và không hề tái phát sau ít nhất hơn ba năm.

Porter cho biết những vụ tái phát sau khi điều trị bằng tế bào miễn nhiễm có thể không đáng ngại bằng những vụ tái phát sau khi điều trị bằng chemotherapy hay cấy tủy xương.

Thứ nhất, các bác sỹ đã thấy thỏa thích khi thấy rằng những tế bào T-cells được lập trình – tức những tế bào biết cách truy nã và tấn công ung thư – vẫn còn sống trong cơ thể bệnh nhân sau hơn 3 năm.

Dr. Porter cho biết, “Những tế bào T-cells được thay đổi về mặt di truyền đã sống sót. Chúng vẫn hiện diện, hoạt động, và có khả năng chống lại những vụ tái phát.”

Thứ nhì, trước khi tuyên bố sự bình phục của các bệnh nhân, các bác sỹ ở Pennsylvania đã rà soát rất cẩn thận những tế bào leukemia còn lẫn tránh.

Thông thường, đối với loại leukemia như của Nick, các bác sỹ chỉ có thể tìm thấy 1 trong số 1000 tế bào ung thư hay tối đa là 1 trong số 10,000. Nhưng kỹ thuật ở Pennsylvania có thể tìm ra 1 trong số 100,000 tế bào ung thư hay thậm chí 1 trong số 1 triệu. Nhưng họ không tìm ra tế bào nào ở Nick hay bất kỳ một bệnh nhân nào đã hoàn toàn bình phục.

Cũng theo Dr. Porter, một trong những phương diện tốt đẹp nhất của trị liệu mới nầy là người ta không gặp khó khăn lớn trong việc sao lặp nó lại trong các trung tâm y khoa khác; và một ngày nào đó, thay vì chỉ được xử dụng cho thí nghiệm, nó có thể được xử dụng cho bất kỳ ai muốn. Ông cho biết, “Chúng ta hy vọng rằng điều nầy có thể tiến triển nhanh chóng. Hy vọng đó sẽ không đến vào năm tới nhưng tôi cũng không nghĩ phải mất đến cả một thập niên.”

Hiện nay các bệnh nhân chỉ có thể được điều trị theo phương pháp nầy nếu họ nằm trong khuôn khổ của một công trình nghiên cứu, nhưng Dr. Renier Brentjens, giám đốc khoa trị liệu tế bào tại trung tâm Memorial Sloan-Kettering, cho rằng trị liệu đó có thể trở nên phổ thông cho tất cả bệnh nhân từ 3 đến 5 năm tới đây. Ông cho biết, “Khi bạn có ba trung tâm đều có một số lượng đáng kể những bệnh nhân cùng nhìn vấn đề một cách giống nhau – nghĩa là những tế bào nầy có tác dụng – thì bạn biết đó không phải là chuyện ngẫu nhiên. Mười lăm (15) năm trước, khi làm việc trong phòng thí nghiệm, tôi nhìn thấy những tế bào nầy giết chết những tế bào ung thư trong một đĩa thí nghiệm và sau đó tôi nhìn thấy chúng giết những tế bào ung thư nơi các con chuột, và sau cùng nơi con người.”

Ông nói rằng ông sẽ không bao giờ quên bệnh nhân đầu tiên mà ông chửa trị. Bệnh nhân nầy ban đầu có một số lượng rất lớn những tế bào ung thư trong tủy xương của mình. Thế rồi sau khi điều trị, ông nhìn trong kính hiển vi và, ngạc nhiên thay, ông thấy mình không thể tìm thấy một tế bào ung thư nào nữa, quả thực là kỳ diệu.

Elizabeth Cohen

 

Sẽ có cách chữa khỏi ung thư?

David Robson

image003

Đó là một ca bệnh làm cho tất cả những người có liên quan đều cảm thấy khó hiểu. Một cụ bà 74 tuổi bị nổi mẩn ngứa mãi mà không hết. Các xét nghiệm sau đó cho thấy bà bị một chứng ung thư da có tên gọi là carcinoma.

Tương lai thật là ảm đạm. Do khối u đã lan rộng nên cách xạ trị sẽ không có hiệu quả. Các bác sỹ cũng không thể nào phẫu thuật lấy khối u ra. Cắt bỏ phần chân bị ung thư có lẽ là cách tốt nhất, theo bác sỹ Alan Irvine, người chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện St James, Dublin.

Tuy nhiên, ở tuổi đã cao, cụ bà sẽ khó mà thích nghi với chân giả. Sau một thời gian thảo luận thẳng thắn, các bác sỹ quyết định chờ đợi trong lúc họ cân nhắc các khả năng.

Điều kỳ diệu’

Sau đó ‘điều kỳ diệu’ đã xảy ra. Mặc dù không được chữa trị gì hết, khối u của bệnh nhân bỗng dưng thu nhỏ lại trước mắt họ. “Chúng tôi theo dõi trong khoảng một vài tháng và khối u bỗng dưng biến mất,” Irvine nói.

image005

Sau 20 tuần, bệnh nhân hoàn toàn khỏi ung thư. “Không có nghi ngờ gì về kết quả chẩn đoán,” bác sỹ Irvine quả quyết, “Nhưng giờ đây khi sinh thiết thì không còn tế bào ung thư nữa.”

Bằng một cách nào đó, bà cụ đã tự khỏi một căn bệnh có thể nói là đáng sợ nhất của nhân loại – bệnh ung thư.

“Tất cả mọi người đều hồi hộp và cảm thấy khó hiểu,” Irvine nói, “Điều này cho thấy cơ thể con người có thể hết ung thư mặc dù khả năng này là cực kỳ hiếm.”

Vấn đề là: làm sao có thể khỏi được? Bệnh nhân thì tin đó là phép màu của Thượng Đế còn các nhà khoa học thì tìm hiểu về cơ chế của cái gọi là ‘tự thoái lui’ để tìm ra các dấu hiệu giúp cho những ca tự chữa lành như thế này xảy ra nhiều hơn.

“Nếu chúng ta có thể tập cho cơ thể làm được việc này ở mức độ lớn hơn thì kết quả sẽ là một điều gì đó được áp dụng rộng rãi,” Irvine nói.

image007

Về mặt lý thuyết, hệ miễn dịch của chúng ta có thể tìm ra và tiêu diệt các tế bào đột biến trước khi chúng phát triển. Đôi khi, những tế bào này có thể thoát khỏi ‘tầm phủ sóng của radar’ và sinh sôi cho đến khi chúng trở thành một khối u.

Đến lúc bệnh nhân đi bác sỹ thì không có khả năng họ hồi phục mà không cần điều trị. Nhìn chung chỉ có một trong số 100.000 bệnh nhân ung thư được cho là đã khỏi bệnh mà không cần chữa trị.

Có những câu chuyện hoàn toàn khó tin.

Chẳng hạn như một bệnh viện ở Anh mới đây cho biết một phụ nữ vô sinh đã lâu đã phát hiện rằng cô có một khối u nằm giữa ruột và tử cung. Nhưng trước khi các bác sỹ tiến hành phẫu thuật thì cô đã thụ thai. Mọi việc diễn ra suôn sẻ và một đứa trẻ khỏe mạnh chào đời. Sau đó các bác sỹ phát hiện rằng khối u của cô đã biến mất một cách bí hiểm trong quá trình mang thai. Chín năm sau đó, khối u của cô vẫn không tái phát.

image009

Những trường hợp khỏi bệnh tương tự cũng đã được ghi nhận ở nhiều chứng ung thư khác, trong đó có bệnh máu trắng vốn do tế bào bạch cầu phát triển bất thường. “Nếu không chữa trị, bệnh nhân sẽ chết trong vòng vài tuần nếu không muốn nói là vài ngày,” ông Armin Rashidi tại Đại học Washington ở St Louis cho biết. Tuy nhiên ông đã phát hiện 46 ca ung thư máu mà bệnh tự thoái triển mặc dù chỉ có tám trong số đó là không tái phát.

Lấy độc trị độc?

Bác sỹ Garrett Brodeur tại Bệnh viện Nhi Philadephia, Hoa Kỳ, muốn tìm hiểu cơ chế đằng sau sự biến mất kỳ lại của các bệnh ung thư. “Chúng tôi muốn tạo ra những nhân tố có thể kích hoạt sự thoái triển của tế bào ung thư. Điều đó sẽ khiến chúng tôi không cần phải đặt mọi thứ vào tay tự nhiên hay vào ý của ‘Chúa Trời’,” ông nói.

Đã có một số đầu mối về việc ung thư tự khỏi từ công trình tiên phong của một bác sỹ người Mỹ ít người biết đến hơn 100 năm trước đây.

Vào cuối thế kỷ 19, bác sỹ William Bradley Coley đang tìm cách cứu một bệnh nhân có một khối u lớn trong cổ.

image011

Ông đã tiến hành năm cuộc phẫu thuật để loại bỏ khối u. Sau đó bệnh nhân bị một chứng nhiễm trùng da cùng với sốt cao. Đến khi bệnh nhân hồi phục thì khối u cũng biết mất.

Kiểm tra trên một số bệnh nhân khác, bác sỹ Coley nhận thấy rằng nếu cố ý làm cho bệnh nhân ung thư bị nhiễm khuẩn hoặc dùng độc tố của các vi khuẩn để chữa trị cho họ có thể giúp làm tiêu hủy các khối u.

Phân tích các bằng chứng gần đây cũng chứng tỏ giả thiết này có cơ sở.

Công trình nghiên cứu của giáo sư Armin Rashidi cho thấy 90% các bệnh nhân hồi phục từ bệnh máu trắng đã bị mắc một chứng bệnh khác, chẳng hạn như viêm phổi, không lâu trước khi họ khỏi ung thư. Những căn bệnh không giết chết bạn có thể lại có ích cho bạn trong những tình huống này.

Bệnh nhân lành ung thư không phải là nhờ vi khuẩn mà có lẽ sự nhiễm trùng được cho là đã kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch và phản ứng này gây hại cho khối u.

image013

Nhiệt của cơn sốt bản thân nó cũng làm cho các tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn và khiến cho chúng tự hủy diệt. Hoặc là khi cơ thể chúng ta chiến đấu với vi khuẩn hay virus, trong máu chúng ta đầy những phân tử viêm nhiễm vốn là nguyên nhân kích động hệ miễn dịch trong cơ thể đứng lên ‘cầm vũ khí’ – tức là khiến cho các tế bào miễn dịch biến thành các chiến binh bao vây và tiêu diệt các vi khuẩn và có lẽ là cả các tế bào ung thư.

Tôi nghĩ là sự nhiễm trùng đã khiến thay đổi các tế bào miễn dịch gốc từ chỗ giúp đỡ cho khối u quay ra tiêu diệt chúng,” ông Henrik Schmidt tại Bệnh viện Đại học Aarhus ở Đan Mạch cho biết. Điều này cũng kích thích các phần khác của hệ miễn dịch biết cách nhận diện các tế bào ung thư để lần sau nếu chúng quay trở lại thì chúng sẽ bị tấn công.

Lập trình’ tế bào miễn dịch

Các bác sỹ đã thử chữa trị bằng cách tiêm vào một số bệnh nhân ung thư một loại ‘cytokine’, tức protein chiết xuất từ các tế bào của hệ thống miễn dịch, để khởi động hệ miễn dịch. Tác dụng phụ – sốt cao và các triệu chứng giống như sốt – được các bác sỹ kê toa bằng paracetamol để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.

image015

Nhưng vì bản thân sốt có thể kích hoạt sự thoái triển của ung thư, Schmidt nghi ngờ rằng chính paracetamol đã khiến cho cách chữa trị này mất đi hiệu quả. Ông ấy đã tìm thấy rằng số bệnh nhân sống sót qua hai năm sau đó nhiều hơn gấp đôi số còn lại nếu họ được để tự mình chống chọi với cơn sốt.

Những phát hiện này có thể dẫn đến những cách chữa trị ung thư đơn giản nhưng mạnh mẽ hơn. Một bệnh nhân đã chứng kiến sự thoái triển ung thư sau khi được tiêm vaccine bạch hầu và uốn ván có lẽ bởi vì vaccine này cũng là sự kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Một số nhà khoa học đang nghĩ đến cách tấn công tế bào ung thư một cách cực đoan hơn. Chẳng hạn như họ sẽ cố tình làm cho bệnh nhân ung thư bị nhiễm một căn bệnh nhiệt đới nào đó.

image017

 

Cách làm này, do công ty Mỹ PrimeVax phát minh ra, bao gồm hai công đoạn. Bắt đầu là lấy mẫu ung thư và chiết xuất một số tế bào miễn dịch trong máu của bệnh nhân. Những tế bào này sẽ giúp điều phối phản ứng của hệ miễn dịch với các mối đe dọa và bằng cách cho chúng tiếp xúc với tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm thì chúng đã được lập trình để nhận ra các tế bào ung thư.

Cùng lúc, bệnh nhân được tiêm một liều sốt xuất huyết trước khi họ được tiêm vào loại tế bào miễn dịch đã được huấn luyện trong phòng thí nghiệm.

Dưới sự theo dõi của các bác sỹ, bệnh nhân có thể sốt đến 40,5 độ cộng với sự xuất hiện rộng rãi của các phân tử viêm nhiễm – điều này khiến cho hệ miễn dịch cảnh giác cao độ. Các khối u một thời từng giấu mình khỏi tầm phủ sóng của hệ miễn dịch giờ đây trở thành mục tiêu bị tấn công hàng đầu dưới sự dẫn dắt của các tế bào mới vừa được lập trình trong phòng thí nghiệm.

Làm cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết nghe có vẻ điên rồ nhưng bệnh này thì khả năng gây chết cho người trưởng thành còn thấp hơn là cảm mạo thông thường. Điều quan trọng là một khi bệnh nhân hết sốt thì các tế bào miễn dịch đã được lập trình sẽ tiếp tục cảnh giác các tế bào ung thư một khi chúng quay trở lại.

 

 

 
%d bloggers like this: