ĐỌC VUI VÀ SUY NGHĨ

Cổ vũ lòng yêu thích các trò chơi hữu ích cho sự luyện tập trí óc trong cộng đồng người Việt

VHV01 – Vai trò của gia đình trong việc duy trì tiếng Việt tại hải ngoại

Duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt

Nguồn: Tập san ĐN & CL, số 4  Năm 2010

Nguyễn văn Bon, PhD, UWS

 

I. Khái quát

Một trở ngại lớn nhứt trong việc giao thiệp giữa các quốc gia không phải do không gian địa lý, không phải do tập quán, văn hóa, cũng không phải do sự khác biệt về quyền lợi quốc gia, mà chính là do sự khiếm khuyết việc học hỏi thêm một ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ của quốc gia mình. Sự am hiểu ngoại ngữ giúp nâng cao trình độ kiến thức và trao đổi tư tưởng hữu hiệu hơn. Thông thạo thêm một ngôn ngữ thứ hai giúp cho học sinh giao tiếp với những người nói ngôn ngữ đó, nâng cao hiểu biết về xã hội, văn hóa, kỷ thuật và kinh tế, điều nầy rất quan trọng trong việc học, sẽ giúp học sinh đóng góp tài năng trong mọi lãnh vực.Thật vậy,một quốc gia mà đa số giới trẻ có thể kết hợp năng khiếu ngoại ngữ với trình độ học thức thì quốc gia đó đã chuẩn bị nâng cao tầm mức quốc tế(New South Wales Ministerial Working Party, 1988). Đối với một quốc gia có chính sách đa văn hoá như Úc, Gia nã đại..,hay có nhiều sắc tộc như Anh, Mỹ, Pháp …thì theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy việc duy trì và phát triển tiếng mẹ đẻ của người di dân rất quan trọng, không những cho cộng đồng di dân mà còn cho chính những quốc gia đó. Ngôn ngữ sắc tộc là vốn liếng quí báu của quốc gia.Về phương diện đối ngoại, ngôn ngữ sắc tộc có thể đóng góp tích cực vào lãnh vực chính trị, kinh tế, kỷ nghệ, ngoại giao với các nước liên hệ hay với những nước xử dụng ngôn ngữ đó trên thế giới (Makin et al, 1995, Scarino et al, 1988: 1-2; CLyne, 1982). Về đối nội, ngôn ngữ sắc tộc giúp quốc gia ổn định, nó góp phần củng cố nền tảng gia đình, xã hôi, phát triển mối liên hệ với những người cùng sắc tộc, truyền đạt kiến thức về văn hóa cổ truyền của nhóm sắc tộc cho thế hệ tiếp nối. Đối với học sinh di dân, ngôn ngữ sắc tộc còn là nền móng xây dựng kiến thức và kỷ năng quan trọng trong việc học. Riêng ngôn ngữ và văn hóa Á châu rất quan trong cần được giảng dạy tại các trường tại Úc, vì theo ý kiến của những nhà nghiên cứu thì nền kinh tế và thương mại của nước Úc trong tương lai phải hướng về Á châu.Thí dụ, tiếng Việt là ngôn ngữ của hơn 80 triệu người Việt sinh sống trong nước, và gần 3 triệu người Việt sống tại hải ngoại, kể cả nước Úc. Từ thập niên 1980, tại nước Úc, chương trình giảng dạy ngôn ngữ sắc tộc,là ngôn ngữ không phải tiếng Anh (Languages Other Than English:LOTE), và song ngữ được áp dụng tại một số trường chính mạch. Để đáp ứng nhu cầu học tiếng mẹ đẻ của các sắc tộc, bộ giáo dục tài trợ cho các tổ chức cộng đồng thành lập các trường ngôn ngữ cộng đồng (gọi là trường sắc tộc) hoạt động vào các ngày cuối tuần. Tiếng Việt là một trong 14 ngôn ngữ được chính sách ngôn ngữ quốc gia công nhận (The Australian Language and Literacy Policy: White Paper, 1991a) .

II. Vai trò của gia đình trong việc giúp giới trẻ phát triển khả năng tiếng Việt

Đa số học sinh Việt Nam đang học bậc tiểu học tại các trường tại nước Úc đều được sanh và lớn lên tại Úc. Trong trường học, ngôn ngữ chính là Anh ngữ, còn Việt ngữ cũng như các ngôn ngữ khác được coi như là ngôn ngữ thứ hai (second language). Mỗi tuần, các học sinh chỉ được học tiếng Việt từ 2 – 2giờ 30 phút. Mặc dù các giáo viên phụ trách giảng dạy có đủ khả năng và kiến thức, nhưng thời gian và điều kiện giảng dạy không cho phép các giáo viên đạt được kết quả theo ý muốn. Làm cách nào giúp cho các học sinh phát triển khả năng tiếng Việt một cách hữu hiệu song song với việc học tiếng Anh, đó là mối quan tâm của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục. Một câu hỏi đang được đặt ra là tại sao có một số học sinh Việt Nam rất thành công trong việc học tiếng Việt, trong khi đó có một số khác lại không đạt được kết quả mong muốn. Rất khó có câu trả lời chính xác, nhưng chúng ta thử tìm những yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng tiếng Việt của học sinh. Trong một công trình nghiên cứu về vấn đề trên,128 phụ huynh học sinh có con em đang học tiếng Việt tại các trường tiểu học tại New South Wales (Australia), 20 giáo viên dạy tiếng Việt tại các trường công và trường ngôn ngữ cộng đồng được phỏng vấn, và 128 học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tham gia thi trắc nghiệm khả năng tiếng Việt (Nguyen,VB, 2002). Kết quả nghiên cứu cho thấy ba yếu tố sau đây ảnh hưởng đến sự tiến bộ trong việc học tiếng Việt của học sinh: yếu tố gia đình (thí dụ: khả năng tiếng Việt của phụ huynh, thái độ của phụ huynh đối với việc cho con em học tiếng Việt, việc tham gia của phụ huynh vào các sinh hoạt học đường nơi con em đang theo học), động lực và thái độ của học sinh đối với việc học tiếng Việt, và sau cùng là yếu tố học đường (phương pháp giảng dạy và năng lực của giáo viên). image002 Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi chỉ đề cập mức độ ảnh hưởng của gia đình đối với việc học tiếng Việt của các học sinh bậc tiểu học. ( xem phụ lục)

A. Ảnh hưởng của gia đình đối với việc học ngôn ngữ của học sinh

Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng vai trò của gia đình là một yếu tố quan trọng giúp con em tiến bộ về khả năng ngôn ngữ. ( Potter, 1995; Makin et al, 1995; Steven et al,1993; Debela, 1994). Các yếu tố chánh sau đây góp phần ảnh hưởng đến việc học tiếng Việt của các học sinh Việt Nam tại hải ngoại nói chung và nước Úc nói riêng : (a) Trình độ tiếng Việt của phụ huynh, (b) Thái độ của phụ huynh về việc học tiếng Việt của con em (xử dụng tiếng Việt của phụ huynh tại nhà; đọc sách báo tiếng Việt cho con em; nghe chương trình phát thanh và xem truyền hình -chương trình tiếng Việt- với con em.

(a). Ảnh hưởng của trình độ tiếng Việt của phụ huynh đối với khả năng học tiếng Việt của con em

Trong một đề án nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ tại một trường ngôn ngữ cộng đồng tại Newcastle (Anh quốc), cho thấy khả năng về một ngôn ngữ của con em có liên quan đến trình độ về ngôn ngữ đó của phụ huynh ( Wei, 1993). Các kết quả nghiên cứu chứng minh rằng khả năng nói và viết tiếng Việt của con em có liên quan đến trình độ tiếng Việt của phụ huynh.(xem Phụ lục ) Trình độ tiếng Việt của phụ huynh có thể góp phần quan trọng trong việc học tiến bộ của con em. Từ kết quả trên, chúng ta có thể nghĩ rằng rằng nhiều phụ huynh có trình độ cao về tiếng Việt sẽ giúp cho con em trong việc học tiếng Việt, như hướng dẫn làm bài tại nhà, đọc báo và sách tiếng Việt cho con em .

(b).Ảnh hưởng của thái độ của phụ huynh về việc học tiếng Việt đối với khả năng tiếng Việt của con em

Để tìm hiểu tầm mức ảnh hưởng của thái độ của phụ huynh về việc học tiếng Việt đối với sự tiến bộ của con em trong việc học tiếng Việt, đề án nghiên cứu tập trung vào các yếu tố như việc xử dụng tiếng Việt tại nhà của phụ huynh, phụ huynh đọc sách báo tiếng Việt cho con em, phụ huynh nghe đài phát thanh và xem truyền hình chương trình tiếng Việt với con em. Kết quả nghiên cứu cho thấy thái độ của phụ huynh về việc học tiếng Việt ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con em trong việc học tiếng Việt.

–  Phụ huynh xử dụng tiếng Việt tại nhà

Việc phụ huynh xử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình góp phần làm cho năng khiếu tiếng Việt của con em phát triển ( 93% phụ huynh thường xuyên nói tiếng Việt tại nhà). Vài phụ huynh học sinh Việt Nam còn cho biết họ đã cố gắng giúp và khuyến khích con em học tiếng Việt, mời giáo viên dạy kèm tiếng Việt tại nhà (xem Phụ lục). Các nhà giáo dục cũng đồng ý là tiếng mẹ đẻ của các trẻ em được duy trì khi cha mẹ và con em cùng nóí chung ngôn ngữ đó tại nhà (Cummins, 1993 ; Saunders, 1982). Nhiều nhà nghiên cứu còn xác định rằng phụ huynh đóng vai trò tích cực trong việc học của con em, và năng khiếu tiếng mẹ đẻ được phát triển trong môi trường gia đình (Duquette, 1995 ; Keepes & Keepes, 1979 và Stevens et al, 1993). Gia đình, đặc biệt là cha mẹ được coi như là người trợ giúp đắc lực cho con em. Chính họ đóng góp hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ cho con em ( Makin et al, 1995). Khả năng tiếp thu tiếng mẹ đẻ của trẻ em tùy thuộc vào ngôn ngữ mà trẻ em nghe do các thành viên trong gia đình xử dụng, như cha mẹ, ông bà, anh em (Gardner, 1985).

–  Phụ huynh đọc sách và báo tiếng Việt cho con em

Phụ huynh đọc sách báo tiếng Việt thường xuyên cho con em góp phần tích cực vào khả năng tiếng Việt của chúng.Theo kết quả nghiên cứu, đa số phụ huynh (75%) thường xuyên đọc sách báo tiếng Việt cho con em. Con số nầy giải thích sự tiến bộ về năng khiếu nói của trẻ em (41.4%), và 28.12% năng khiếu viết (xem Phụ lục). Trong các buổi phỏng vấn, một số phụ huynh cho biết ngoài sách báo tiếng Việt, họ còn đọc truyện viết song ngữ Anh Việt. Một số công trình nghiên cứu trước đây cũng xác định là cha mẹ đọc sách báo viết bằng tiếng mẹ đẻ giúp trẻ em phát triển năng khiếu học ngôn ngữ đó (Lennox, 1995 ; Stevens et al, 1993 ; Gillett and Bernard, 1988). Phụ huynh cần tiếp tay với giáo viên trong việc đọc sách báo cho con em, vì trong lớp học giáo viên không đủ thời giờ giúp từng học sinh một. Ngoài ra hiện nay các trường tiểu học có chương trình “ nhà trường – phụ huynh hợp tác giúp học sinh đọc sách tại nhà”. Chương trình nầy tạo điều kiện cho các trẻ em phát triển năng khiếu đọc của mình ngay trong môi trường gia đình ấm cúng và thân thiện. Các nhà nghiên cứu cũng xác định rằng trẻ em nào có khả năng cao về tiếng mẹ đẻ cũng có khả năng cao về tiếng Anh (Fuerverger,1994 ; Gibbons, 1992, Beardsmore, 1986). Các trẻ em mà ngôn ngữ chánh không phải tiếng Anh, cần được giúp đỡ duy trì tiếng mẹ đẻ để phát triển khả năng song ngữ,vì khi ngôn ngữ thứ nhứt phát triển sẽ dẫn đến phát triển ngôn ngữ thứ hai, hay nói cách khác, ngôn ngữ thứ nhứt là cái khung cho ngôn ngữ thứ hai. Để cải tiến năng khiếu đọc cho trẻ em, phụ huynh và giáo viên cần hợp tác chọn những loại sách báo nào thích hợp nhu cầu và tuổi tác của chúng (Saunders, 1988; Ebbeck, 1991).

–  Phụ huynh nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chương trình Việt ngữ) với con em

Phụ huynh thường xuyên nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chương trình tiếng Việt) với con em sẽ giúp cho tiếng Việt của trẻ em tiến bộ. Trong số các phụ huynh được hỏi ý kiến, có 71.8% phụ huynh cho biết « rất thường » nghe đài phát thanh tiếng Việt, và 72.6% « thường » xem truyền hình chương trình tiếng Việt với con em. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tiếng Việt của các trẻ em có tiến bộ (xem Phụ lục). Các nhà nghiên cứu trước đây cũng xác định là phương tiện truyền thông (phát thanh, truyền hình) là phương tiện rất hấp dẫn đối với trẻ em. Nó giúp cho các trẻ em trau dồi tiếng mẹ đẻ (Saunders, 1982). Khi nghe phát thanh và xem truyền hình, trẻ em sẽ cải tiến năng khiếu nghe, phát âm, dấu giọng và xử dụng ngôn ngữ…(Harding and Riley, 1986). Phương tiện truyền thông, như đài phát thanh, truyền hình giữ vai trò tích cực giúp trẻ em không những về ngôn ngữ mà còn giúp hiểu biết về văn hóa (Murray, 1993 ; Keepes & Keepes, 1979). Phụ huynh tham gia vào các kế hoạch xử dụng truyền hình trong chương trình giảng dạy của học đường rất cần thiết,vì phụ huynh giữ vai trò quan trọng trong việc giúp và hướng dẫn con em về thời gian và thái độ xem truyền hình (Berry, 1993 ; Lian, 1995). Mặt khác, ngôn ngữ của các chương trình truyền hình có thể ảnh hưởng đến khả năng viết của học sinh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng xem truyền hình là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả học ngôn ngữ (Wlodkowski and Jaynes, 1990 ; Peng and Wright, 1993). Thật ra, không thể kết luận là việc xem truyền hình tốt hay không tốt, tác dụng của nó tùy vào cách suy nghĩ và giải thích của mỗi người (Luke, 1990). Trong đê án nghiên cứu, chúng tôi chỉ xem xét trường họp phụ huynh thường xuyên nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chương trình tiếng Việt) ảnh hưởng như thế nào đối với sự học tiếng Việt của con em. Trẻ em thường xuyên nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chuơng trình tiếng Việt), có sự hướng dẫn của phụ huynh sẽ giúp ích cho việc học tiếng Việt của chúng. Ở đây chúng ta không xem xét khía cạnh tiêu cực của việc nghe đài phát thanh và xem truyền hình đối với việc học ngôn ngữ của trẻ em.Vấn đề nầy dành cho một cuộc nghiên cứu khác. Tóm lại, khả năng tiếng Việt của phụ huynh, và thái độ của phụ huynh đối với việc học tiếng Việt (xử dụng tiếng Việt tại nhà, đọc sách báo tiếng Việt cho con em, nghe đài phát thanh và xem truyền hình với trẻ em) đóng góp có hiệu quả trong việc học tiếng Việt của trẻ em.

B. Ảnh hưởng của việc phụ huynh tham gia vào sinh hoạt học đường đối với khả năng tiếng Việt của con em

Các nhà nghiên cứu xác định rằng phụ huynh tham gia vào các sinh hoạt học đường nơi con em mình đang theo học sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học của chúng. Việc tham gia của phụ huynh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng trong phạm vi đề án nghiên cứu nầy, chúng tôi chỉ xem xét hai lãnh vực sau: Phụ huynh tiếp xúc với giáo viên phụ trách giảng dạy môn Việt ngữ của con em, và phụ huynh giúp con em học tập tại nhà.

(a). Sự tiếp xúc của phụ huynh với giáo viên giảng dạy môn Việt ngữ của con em

Trong số phụ huynh được tham khảo, 55.4% cho biết họ “rất thường” tiếp xúc với giáo viên phụ trách giảng dạy môn Việt ngữ của con em. Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tiếng Việt của các em có cải tiến. Do đó có thể nói sự tiếp xúc của phụ huynh với giáo viên giảng dạy môn Việt ngữ của con em có tác dụng đến việc học tiếng Việt của con em ( xem Phụ lục).

(b). Sự giúp đỡ của phụ huynh về học tập ở nhà của con em

Về việc học môn Việt ngữ, đa số phụ huynh (67.2%) xác định họ “rất thường” giúp con em học và làm bài tập tiếng Việt tại nhà. Sự giúp đỡ của phụ huynh có hiệu quả rất lớn đối với việc tiến bộ của con em (xem Phụ lục). Sự tiếp xúc tích cực giữa phụ huynh và giáo viên tạo cơ hội cho phụ huynh trở nên gần gũi với nhà trường nơi con em đang theo học; ngoài ra còn theo dõi được sự học tập của con em, đồng thời trao đổi kinh nghiệm với giáo viên về cách giúp đỡ con em học tập tại nhà. Nhiều cuộc nghiên cứu trước đây cũng có những nhận xét như trên. Sự họp tác tích cực giữa giáo viên và phụ huynh trong lãnh vực giáo dục có tầm ảnh hưởng quan trong đối với việc học của con em. Nơi nào có sự họp tác tích cực giữa nhà trường và phụ huynh thì việc dạy dỗ học sinh có tiến bộ (Baker, 1998). Việc học tập tại trường của học sinh có liên quan chặt chẽ đến sự tiếp xúc giữa nhà trường và gia đình. Càng có sự tiếp xúc nhiều giữa gia đình và nhà trường thì trẻ em càng được giúp đỡ học tập tại nhà có hiệu quả cao; trái lại nếu sự tiếp xúc giữa phụ huynh và nhà trường it đi,và nếu nhà trường không đánh giá cao sự đóng góp đặc biệt của phụ huynh thì môi trường học tập tại nhà kém sinh động (Cummins, 1986: 26; Toomey, 1989; Marjoribanks, 1980 and Berger. 1995; Watts and Henry:5). Phụ huynh học sinh Việt Nam cần được khuyến khích tham gia vào hai lãnh vực: tiếp xúc với giáo viên phụ trách giảng dạy môn Việt ngữ của con em, và giúp con em học tập tại nhà. Kết quả nghiên cứu khẳng định vai trò quan trọng của phụ huynh trong việc học tập tiến bộ của con em. Theo truyền thống, trong nền giáo dục Việt Nam, nhà trường giữ vai trò quan trọng trong việc học của học sinh. Giáo viên có nhiệm vụ dạy dỗ và truyền đạt kiến thức trong quá trình học tập của học sinh. Trái lại, sự tham gia của phụ huynh vào sinh hoạt học đường không được quan tâm. Theo kết qua của đề án nghiên cứu, nhiều phụ huynh cho biết họ rất quan tâm đến sự tham gia vào sinh hoạt của nhà trường. Trong các buổi thảo luận giữa phụ huynh và giáo viên giúp họ tự tin tham gia các sinh hoạt học đường vì môi trường sinh hoạt ở học đường rất thân thiện. Nhiều phụ huynh còn cho biết vì nhờ vào mối liên hệ tích cực giữa nhà trường và gia đình nên họ luôn luôn khuyến khích và giúp đỡ con em hoc tập môn Việt ngữ. Như vậy có một sự chuyển biến trong quan niệm của phụ huynh Việt Nam về trách nhiệm trong việc học tập của con em; không phải riêng nhà trường, giáo viên mà cả phụ huynh cũng có trách nhiệm chung. Riêng nhà trường cũng ý thức rằng nhiệm vụ của nhà trường là khuyến khích phụ huynh tham gia sinh hoạt học đường, nhờ đó giúp nâng cao lòng tự tin và hăng hái của giáo viên trong nhiệm vụ giảng dạy (Clyne et al,1995:100).

III. Kết luận và đề nghị

Sự tiến bộ trong việc học ngôn ngữ nói chung và Việt ngữ nói riêng có liên quan đến yếu tố gia đình và sự tham gia của phụ huynh vào sinh hoạt học đường nơi con em đang theo học. Từ những kết quả nghiên cứu trên chúng tôi xin đề nghị: 1. Phụ huynh nên cố gắng nâng cao trình độ hai ngôn ngữ: Việt ngữ và Anh ngữ. Thay vì bảo con em luôn luôn nói tiếng Việt tại nhà, phụ huynh thỉnh thoảng nói chuyện bằng Anh ngữ với con em và giúp chúng hiểu những bài học do giáo viên yêu cầu làm tại nhà. Đây là dịp tốt để cho con em trau dồi cả hai ngôn ngữ: Anh và Việt ngữ. (Phụ huynh biết hai ngôn ngữ rất có lợi trong việc giúp con em làm bài tập tại nhà, nhưng chỉ thỉnh thoảng dùng Anh ngữ trong sinh hoạt hàng ngày với con em; nên thường xử dụng Việt ngữ để giúp nâng cao hiểu biết tiếng Việt của chúng). 2. Tại các trường tiểu học có “chương trình gia đình và nhà trường đọc sách tại nhà”, khuyến khích các học sinh đọc sách như là một sinh hoạt vui trong môi trường gia đình ấm cúng. Phụ huynh nên dùng chương trình nầy giúp con em trau dồi khả năng đọc hai ngôn ngữ: Việt và Anh ngữ. Phụ huynh và giáo viên giảng dạy môn Việt ngữ cùng cộng tác để chọn những sách báo bằng Việt ngữ hay song ngữ (viết bằng Anh ngữ và Việt ngữ) mà học sinh thích đọc. Phụ huynh và giáo viên cùng thảo luận phương pháp giúp học sinh đọc sách báo tại nhà và khuyến khích các học sinh đọc cả hai ngôn ngữ.Thật vậy, khi học sinh tiến bộ về ngôn ngữ thứ nhứt thì cũng tiến bộ ngôn ngữ thứ hai, vì ngôn ngữ thứ nhứt là cái khung cho ngôn ngữ thứ hai (Gibbon, 1992:225). 3. Nghe đài phát thanh và xem truyền hình là một phương pháp rất tốt khi học một ngôn ngữ. Phụ huynh nên cùng con em nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chương trình Việt ngữ). Sau khi nghe đài phát thanh hay xem truyền hình, phụ huynh giúp con em hiểu đại ý của bản tin hay bài nói chuyện và giải thích những chữ khó mà con em không hiểu ( nhiều chương trình chỉ thích họp cho người lớn, vậy phụ huynh nên chọn những mục nào mà các em dễ hiểu.(Hội phụ huynh họp tác với nhà trường hay Bộ Giáo dục, nêu ra ý kiến với cơ quan truyền thanh và truyền hình tổ chức một số chương trình thích họp cho học sinh). 4. Phụ huynh nên tham gia vào các sinh hoạt nhà trường, nhứt là các buổi hội họp giữa Ban Giám hiệu, giáo viên và phụ huynh. Đây là dịp phụ huynh gặp gỡ giáo viên phụ trách môn Việt ngữ để trình bày những quan tâm của mình về sự tiến bộ của con em về môn tiếng Việt. Ngoài ra phụ huynh có dịp đóng góp ý kiến về chương trình học tâp và các vấn đề chung của nhà trường. Học sinh sẽ cố gắng học tập hơn khi chúng thấy phụ huynh luôn tiếp xúc với nhà trường, nhứt là với các giáo viên. Muốn gia đình Việt Nam là tổ ấm, chắc chắn ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng. Tiếng Việt phải được các thành viên trong gia đình xử dụng. Ông bà cha mẹ con cái cùng nói tiếng mẹ đẻ thì dễ cảm thông nhau. Đặc biệt trong xã hội hiện nay (Úc, Mỹ, Canada, và một số nước khác), thế hệ trẻ đang được học ngôn ngữ chính là tiếng Anh, hoặc một thứ tiếng khác tiếng Việt. Vì tuổi đời cũng như hoàn cảnh, thế hệ ông bà, cha mẹ không thể tiếp thu ngôn ngữ mới, nên dùng tiếng Việt trong mọi sinh hoạt gia đình. Thế hệ trẻ cần được khuyến khích học thêm tiếng Việt để cảm thông với thế hệ ông bà, cha mẹ, cùng chia xẻ, khích lệ khi gặp khó khăn, và cả ngay ngoài xã hội khi gặp người cùng nòi giống thì dễ chuyện trò, liên lạc nhau. Nếu thế hệ trẻ không học tiếng Việt,chắc chắn nền văn hóa Việt Nam sẽ bị mai một (Nguyen,V.B., 2009)

Tài liệu tham khảo

Baker, C. (1988). Key issues in bilingualism and bilingual education.

Clevedon (England): Multilingual Matters.

Beardsmore,H. B. (1986). Bilingualism: Basic principles.

Clevedon (England): Multilingual Maters.

Berry,G.(1993). The medium of television and the school curriculum.

Berger,E.H. (1995). Parents as partners in education- Families and schools working together (Fourth Ed.). New Jersey: Prentice-Hall.

Clyne,M.(1982).Multilingual Australia. Victoria (Australia): M.G.Clyne and River Seine.

Clyne, M., Jenkins, C., Chen, IY., TSO Kalidou, R., & Wallner, T. (1995). Developing second language from primary school: Models and outcomes. Victoria (Australia): National Languages and Literacy Institute of Australia.

Cummins, J. (1993). Bilingualism and second language learning. Annual Review of Applied Linguistics, 13, 51-70.

Cummins, J. (1986). Empowering minority students: A framework for intervention. Harvard Educational Review, 56, 18-35.

Debela, N.W. (1994). The community language classroom: A triangulation approach. Curriculum and Teaching, 9, 63-74.

Duquette, G. (1995). The role of the home culture in promoting the mother tongue in a minority language environment. Language, Culture and Curriculum, 8, 35-40.

Ebbeck, M. A. (1991). Specific teaching strategies for working with ethnic minority children. In M.A. Ebbeck (Ed.), Early childhood education (pp. 106-108). New York: Longman Cheshire.

Feuerverger, G. (1994). A multicultural literacy intervention for minority language students. Language and Education, 8, 123-133.

Gardner, R. C. (1985). Social psychology and second language learning: The role of attitudes and motivation. London (England): Edward Arnold.

Gibbons, P. (1992). Supporting bilingual students for success. The Australian Journal of Language and Literacy ,15, 225-236.

Gillet, S., & Bernard, M. E. (1988). Reading rescue- A parents’ guide (2rd ed.). Victoria (Australia): Susan Gillet and Michael Bernard.

Harding, E., & Riley, P. (1986). The bilingual family – A hand book for parents. Cambridge: Cambridge University Press.

Keepes, J.M., & Keepes, B. D. (1979). Language in education – Language development project – Phase 1. Canberra: Curriculum Development Centre.

Lian, A. (1995). Virtually speaking…Technology- Enhanced language learning in Australia. Education Australia, 31, 24-27.

Lennox, S. (1995). Sharing books with children. The Australian Early Childhood Association, 20, 12-16.

Luke, C. (1990). TV and your child. North Ryde. NSW (Australia): Collins/Angus and Robertson.

Marjoribanks, K. (1980). Ethnic families and children’s achievements. Australia: George Allen & Unwin.

Makin, L., Campbell, J., & Diaz, C. J. (1995). One childhood many languages. Pymble (NSW): Harmer Educational Publishers.

Murray, J. P. (1993). The developing child in a multimedia society. In G. Berry & J. Asamen (Eds.), Children and television (pp. 9-19). California (USA): Sage.

New South Wales Ministerial Working Party.(1988). Report of the ministerial working party on the state language policy. Sydney: The Ministerial Working Party.

Nguyen, V. B. (2002). An investigation to improve the effectiveness of Vietnamese language learning in New South Wales primary schools. Doctoral thesis. Unpublished. University of Western Sydney, Australia.

Nguyen, V.B. (2009). Đọc lại quốc văn giáo khoa thư và ca dao tục ngữ. Tập san 3. Nghiên cứu văn hoá Đồng Nại- Cửu Long. Tháng 6-2009.

Peng, S. S., & Wright, D. A. (1993). Explanation of academic achivement of Asian American students. The Journal of Educational Research, 87, (1), 346-353.

Potter, G. (1995). Mothers’ perceptions of their young children’s literacy development. Australian Journal of Early Childhood, 20 (1), 7-11.

Saunders, G. (1982). Bilingual children: Guidance for the family. Clevedon: Multilingual Matters.

Saunders, G. (1988). Bilingual children: From birth to teens. Clevedon: Multilingual Matters.

Scarino, A., Vale, D., McKay, P., & Clark, J. (1988 a). Language learning in Australia. Australian language levels guidelines. Book 1. Canberra: Commonwealth of Australia.

Stevens, J. H. JR., Hough, R. A., & Nurss, J. R. (1993). The influence of parents on children’s development and education. In B. Sprodex (Ed.), Handbook of research on the education of young children (pp. 337-347). Sydney: MacMillian Publishing Company.

Toomey, D. (1989). How home-school relations policies can increase educational inequality: A three-year follow up. Australian Journal of Education, 33, 284-298.

Watts, B. H., & Henry, M. B. (1978). Focus on parent/child- Extending the teaching competence of Urban Aboriginal mothers. ERDC Report N#14. Canberra: Australian Government Publishing Sercices.

Wei, L. (1993). Mother tongue maintenance in a Chinese community school in New Castle Upon Tyne: Developing a social network perspective. Language and Education, 7, 199-213.

Wlodkowski, R. J., & Jaynes, J. H. (1990). Eager to learn: Helping children become motivated and love learning. San Francisco (USA): Jossey-Bass.

Wylie, E., & Ingram, D. E. (1991). Australian second language proficiency ratings: Self-assessment version. NLIA Database, Brisbane: NLIA.

 

 

PHỤ LỤC

Sơ lược kết quả nghiên cứu

Để đánh giá sự tiến bộ về khả năng tiếng Việt, 2 lần trắc nghiệm được thực hiện cách nhau trong vòng 10 tháng. Số học sinh tham gia trắc nghiệm lần 1 và lần 2 không thay đổi, và dùng một bài trắc nghiệm cho 2 lần. Bảng đánh giá khả năng nói và viết /đọc được xếp thành bốn trình độ: Rất giỏi, giỏi, khá, kém. Một trăm hai mươi tám (128) học sinh tham gia làm bài trắc nghiệm và trả lời bảng tham khảo (survey). Bảng tham khảo gồm: Nói tiếng Việt thường xuyên tại trường, tại nhà, bên ngoài và lý do học tiếng Việt.. Hai mươi (20) giáo viên dạy tiếng Việt tham gia cuộc nghiên cứu gồm 7 giáo viên tại các trường công lập, 13 giáo viên tại các trường cộng đồng. Các giáo viên nầy có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt từ 7-9 năm, 60% có văn bằng sư phạm đại học tại Úc, 40% có trình độ đại học tại Việt Nam và chứng chỉ tu nghiệp dạy ngôn ngữ không phải tiếng Anh (LOTE). Các giáo viên được phỏng vấn và trả lời bảng tham khảo (survey) về kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp giảng dạy, vai trò của giáo viên… Có 128 phụ huynh trả lời bảng tham khảo(survey),và chấp thuận cho con em tham gia bài thi trắc nghiệm. Bảng tham khảo bao gồm môi trường gia đình: khả năng tiếng Việt của phụ huynh, và thái độ của phụ huynh trong việt học tiếng Việt của con em.

Kết quả về môi trường gia đình

Khả năng tiếng Việt của phụ huynh (N=128)

image002 image004

Khả năng nói: cao và rất cao = 71.1% ; trung bình=26.6%; kém=2.3% Khả năng nghe: Cao và rất cao= 82.8%; trung bình=17.2% Khả năng đọc: Cao và rất cao= 75.8% ; trung bình=24.2% Khả năng viết: cao và rất cao= 86.7% ; trung bình=13.3%

Về thái độ của phụ huynh đối với việc học tiếng Việt:

image002 * Nói tiếng Việt tại nhà của phụ huynh được xếp theo thứ tự : rất thường, thường và thỉnh thoảng:

Rất thường và thường xuyên= 93% Thỉnh thoảng nói tiếng Việt=7%

* Đọc sách báo tiếng Việt với con em được xếp theo thứ tự: Rất thường và thường, thỉnh thoảng, và rất it khi đọc:

Rất thường và thường xuyên =75% Thỉnh thoảng = 20.3% Rất it khi= 4.7%

Về thái độ của phụ huynh đối với việc học tiếng Việt (tiếp theo)

image002 image005 Nghe đài phát thanh và xem truyền hình (chương trình Việt ngữ) với con em được xếp theo thứ tự: rất thường, thường và rất it khi Nghe đài phát thanh Việt ngữ

Rất thường và thường xuyên =71.8% Thỉnh thoảng = 25% Rất it khi= 3.2%

Xem truyền hình

Rất thường và thường xuyên =72.6% Thỉnh thoảng = 24.2% Rất it khi= 3.2%

Như vậy theo kết quả tham khảo, phụ huynh “rất thường” xử dụng tiếng Việt tại nhà (93%), “rất thường” đọc sách báo tiếng Việt với con em (75%), “ thường” nghe đài phát thanh (71.8%) và “thường” xem truyền hình (72.6%).

Kết quả về sự tham gia của phụ huynh vào sinh hoạt học đường

Tiếp xúc với giáo viên và giúp con em làm bài tại nhà Một trăm hai mươi tám (128) phụ huynh được hỏi về tiếp xúc với giáo viên dạy tiếng Việt của con em và giúp con em làm bài tập tại nhà, cho biết “thường và rất thường” (55.4%) tiếp xúc với giáo viên, và 67% “thường và rất thường” giúp con em làm bài tập tại nhà. Quan tâm của phụ huynh về việc học tiếng Việt của con em Trả lời câu hỏi về những quan tâm của phụ huynh liên quan đến việc học tiếng Việt của con em, có 81 (63.28%) phụ huynh trả lời, 19 (36.72% phụ huynh không trả lời câu hỏi. Những vấn đề mà phụ huynh quan tâm bao gồm: duy trì tiếng Việt và văn hóa Việt (17.96%), môi trường gia đình và thái độ của phụ huynh đối với việc học tiếng Việt (26.48%), khả năng tiếng Việt của con em (24.21%), vai trò của giáo viên dạy tiếng Việt (3.9%), và những vấn đề khác (6.25%). Kết quả trắc nghiệm khả năng nói tiếng Việt của học sinh (BASIC SKILLS TESTS: Children’s competence in spoken Vietnamese) (N=128) image007 Đa số học sinh được đánh giá là giỏi và rất giỏi khả năng nói tiếng Việt.. Con số gia tăng 41.4% trong 2 lần trắc nghiệm Kết quả trắc nghiệm khả năng viết tiếng Việt của học sinh ( BASIC SKILLS TESTS: Children’s competence in written Vietnamese ) (N=128) image009 Đa số học sinh được đánh giá là giỏi và rất giỏi khả năng viết tiếng Việt. Con số gia tăng 28.12%% trong 2 lần trắc- nghiệm

 
%d bloggers like this: