ĐỌC VUI VÀ SUY NGHĨ

Cổ vũ lòng yêu thích các trò chơi hữu ích cho sự luyện tập trí óc trong cộng đồng người Việt

VHV06 – Nhìn lại nền giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975


Vài suy nghĩ về vai trò của giáo dục:

 

 

Nhìn lại nền giáo dục Miền Nam Việt Nam trước 1975


Nguồn: Tập san Đồng Nai & Cửu Long, số 8, 2014

Nguyễn Văn Bon, PhD (UWS)


I. Dẫn nhập

Cho dù theo quan niệm của Tuân Tử “nhân chi sơ tính bổn ác” hay theo quan niệm của Mạnh Tử “nhân chi sơ tính bổn thiện” thì mục đích chung vẫn là con người cần được giáo dục (1). Do đó, vai trò của giáo dục vô cùng quan trọng. Nhưng giáo dục con người từ lúc thiếu thời cho đến lúc trưởng thành đòi hỏi một tiến trình lâu dài.

Khi bàn đến nền giáo dục của một quốc gia, không thể không xét đến triết lý, mục tiêu giáo dục của quốc gia đó. Thật vậy, triết lý giáo dục là đường hướng, nguyên tắc hướng dẫn cho một nền giáo dục. Câu hỏi được đặt ra là, triết lý, mục tiêu căn bản của nền giáo dục quốc gia là gì? Sau khi nhận được sự giáo dục, con người sẽ như thế nào đối với bản thân, gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại?

Trong nước, nhiều nhà giáo dục và những người quan tâm đến tương lai của nền giáo dục, đã và đang bàn đến việc tìm một triết lý cho nền giáo dục Việt Nam, nhưng chưa đưa ra được một kết luận cụ thể. Nếu coi triết lý giáo dục của một quốc gia phải chịu sự chi phối của triết lý xã hội của quốc gia đó, thì hiện nay hệ tư tưởng Mac-Lênin đang chi phối toàn bộ lãnh vực xã hội Việt Nam, nên nền giáo dục cũng phải nằm trong sự chi phối của hệ tư tưởng nầy.!

“Ôn cố tri tân” (Luận Ngữ)! Vậy muốn xây dựng một triết lý giáo dục cho xã hội hiện nay, không thể không nhìn lại triết lý, mục tiêu của nền giáo dục trong các thời kỳ qua.

II. Mục tiêu của giáo dục miền Nam qua các thời kỳ

Trong phạm vi bài nầy, chúng ta không đề cập đến những ý kiến của các nhà giáo dục phương tây, mà chỉ sơ lược mục tiêu của nền giáo dục miền Nam Việt Nam qua ba thời kỳ:

1. Giáo dục dưới thời cựu học hay giáo dục theo truyền thống Nho giáo.
2. Giáo dục dưới thời Pháp đô hộ
3. Giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

1. Giáo dục dưới thời cựu học hay giáo dục theo truyền thống Nho giáo.

Trước khi Pháp xâm chiếm và đặt nền đô hộ Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo hay Khổng giáo Trung Hoa từ hình thức tổ chức, chương trình, sách vở, cho đến lối học.

Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê (từ thế kỷ 10 đến giữa thế kỷ 11) phần vì thời gian trị vì quá ngắn, phần phải lo chống quân Tàu, giữ vững nền độc lập tự chủ, nên không tổ chức giáo dục Nho Giáo theo hệ thống qui mô mà giao phó cho dân đảm trách, tức là do các nhà sư, các thầy khóa, thầy đồ, thầy tú, các bậc đại khoa không ra làm quan. Trường học được tổ chức tại nhà riêng của các ông thầy hoặc tại đình chùa…

Đến triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn (giữa thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 20), việc học chữ Nho được triều đình tổ chức, nhưng chỉ tổ chức một đại học ở kinh đô (Quốc tử giám) dành cho con các quan và những người tài giỏi trong nước, và ở các phủ, lộ có trường cho học sinh lớn theo học để dự các khóa thi. Cấp tiểu học thì vẫn do dân chúng đảm trách.(2)

Chương trình học nặng về lý thuyết, từ chương, xa rời thực tế, không chú trọng đến khía cạnh thực hành, chuyên nghiệp cần cho sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Chương trình học gồm các quyển Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, Tứ Thư Ngũ Kinh và Bắc Sử (tức sử Tàu) ….Học theo lối từ chương, thuộc lòng tất cả Tứ Thư, Ngũ Kinh, phải rèn luyện văn hay chữ tốt, nghĩa là phải học làm thơ (thơ đường luật, kinh nghĩa, văn sách…). Các khóa thi, đều là thi tuyển, được tổ chức 3 năm một lần. Có 3 kỳ thi: Thi Hương tổ chức tại địa phương, lấy Tú Tài, thi Hội và thi Đình tổ chức tại trung ương, lấy Cử nhân và Tiến sĩ.

Lớp người được đào tạo theo Nho học được gọi là trí thức hay sĩ phu, là lớp người giúp vua cai trị đất nước, được xếp đầu trong bậc thang xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương.

Tài liệu giảng dạy du nhập từ Trung quốc, nên học sinh chỉ biết Trung quốc là trung tâm thế giới, chỉ học và biết nhiều về nền văn minh và văn hóa Trung quốc hơn là về thực trạng nước nhà.

Chữ Hán Việt dùng làm chữ chính trong chương trình học (chữ Hán Việt là mượn chữ Hán của Trung Hoa và đọc theo lối riêng Việt Nam, nên gọi là Hán Việt, còn gọi là chữ Nho, được xử dụng trong công quyền).

Tuy nhiên, nền giáo dục nầy cũng có những ưu đỉểm đáng chú ý. Giáo dục Nho Giáo dựa trên triết lý căn bản: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín làm kim chỉ nam để đào tạo con người.

Nhân là cốt lõi trong học thuyết của Khổng Tử. Nói đến tương quan giữa con người trong xã hội, phải đề cao lòng nhân, tức là phải có lòng thương người.
Nhân nghĩa là hai ngôn từ đi đôi nhau. Nhân là đức tính của con người, còn nghĩa là những gì cần phải làm để thực hiện lòng nhân, và là cách cư xử với mọi người theo công bình và lẽ phải.

Theo Khổng Tử, “Lễ” không phải đơn thuần những nghi thức, mà là sự tôn trọng, hòa nhã với mọi người, “lễ như là một công cụ làm cho đất nước vận chuyển bình thường là thứ điển chương cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Nếu rời bỏ lễ trị thì đất nước không còn là đất nước nữa… lễ là gốc để lập thân. Là người không thể không biết lễ. ..Đối với một người,có dũng mà không biết lễ thì dễ phản loạn, thẳng thắn mà không biết lễ thì dễ thành kẻ hay châm chọc.Người quân tử quan cao, chức trọng biết hiếu thuận với cha mẹ thì trăm họ biết lo đường nhân đức. Người quân tử không quên tình xưa nghĩa cũ với thân tình bè bạn thì trăm họ không đến nỗi lạnh nhạt với người chung quanh (3)

Khổng giáo chú trọng đến sự liên hệ giữa con người với con người trong xã hội, nên trong cách liên hệ đối xử, cần đến hai đức tính “Tr픓Tín”. Cần có trí suy xét, hành động và phải giữ chữ tín, tức giữ đúng lời và đáng tin cậy.

Trong nền giáo dục nầy, nhân phẩm con người được đề cao, tôn trọng giá trị con người, dạy đạo đức làm người, đề cao trung thành với nước, hiếu kinh cha mẹ, giữ đạo thầy trò, có tình nghĩa với bạn bè, thủy chung chồng vợ . Từ đó, nền tảng gia đình được củng cố, xã hội sẽ hài hòa, trật tự quốc gia được ổn định.

Ngoài ra, nền giáo dục nầy cũng có tính dân chủ, không phân biệt người giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng có quyền theo học và thi đỗ để làm rạng rỡ tông đường, và giúp dân giúp nước…
Từ nhận xét trên, chúng ta thấy phương pháp giáo dục của đạo Nho là trọng đức, trọng luân lý, không trọng khoa học.
Tóm lại, trong gần 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 10, từ thời Lý Trần cho đến khi Pháp xâm chiếm Việt Nam (cuối thế kỷ 19 trong Nam và đầu thế kỷ 20 ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam ), nền giáo dục Việt Nam hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Nho giáo.

2. Giáo dục dưới thời Pháp đô hộ.

Sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ tại Nam Kỳ, ban đầu họ giữ lại chế độ giáo dục theo Nho Giáo, vì họ nghĩ rằng ít ra nền giáo dục Nho giáo cũng giúp cho sự ổn định xã hội.
Nhưng sau vì nhu cầu cần có những viên chức phục vụ cho bộ máy cai trị, nên người Pháp đã thay thế chế độ thi cử và giáo dục Nho Giáo bằng hệ thống giáo dục theo kiểu phương Tây. Vào đầu thế kỷ XIX, nền giáo dục gọi là giáo dục mới hay “tân học” tại Việt Nam chịu ảnh hưởng hoàn toàn của nền giáo dục Pháp, từ cách tổ chức đến chương trình giảng dạy.
Khi xây dựng nền giáo dục mới, người Pháp nhắm đến ba mục đích:

• Thứ nhứt là đào tạo các viên chức trong các lãnh vực hành chánh, giáo dục, y tế, xây dựng … để thừa hành
chính sách cai trị của Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

• Thứ hai là truyền bá tư tưởng, văn hóa Pháp, và

• Thứ ba là làm cho người Việt nghĩ rằng hệ thống giáo dục Pháp là nền giáo dục rất tiến bộ hơn hẳn nền giáo dục
Nho giáo.

Thực chất, nền giáo dục nầy chỉ đáp ứng tình trạng Việt Nam lúc bấy giờ, là đào tạo một số người biết chữ quốc ngữ và chữ Pháp, với chút hiểu biết nền văn hóa Pháp, ngõ hầu phục vụ cho chính quyền thuộc địa.

Để thực hiện mục đích trên, người Pháp đã thành lập các trường như: Trường Thông ngôn (collège des interprêtes) năm 1864, trường Adran (collège d’adran) năm 1866, trường Tham biện (Collège des Stragiaires) năm 1868, trường Taberd năm 1874, trường Chasseloup Laubat năm 1874, và trường Collège de My Tho năm 1879 (sau vào đầu thế kỷ 20 được đổi tên là Collège Le Myre de Vilers, và đến năm 1952 đổi là Lycée Nguyễn đình Chiểu), rồi lần lượt sau đó, có trường Collège de Can Tho (thành lập 1917, đến tháng 8 năm 1945 thì đổi thành trường Trung học Phan Thanh Giản), trường Gia Long (1922) và trường Petrus Ký (1928) ở Sài gòn.

 

image002

Collège Le Myre de Vilers – Truường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu

 

image004

Trường Trung Học Petrus Ký năm trước 1975 (nguồn Internet)

 

Viên Thống đốc Nam Kỳ, Le Myre de Vilers có sứ mạng thi hành chính sách gọi là văn minh hóa người Việt, cho mở nhiều trường, từ sơ cấp đến trường tiểu học tại các xã, quận và tỉnh.

Trong hệ thống giáo dục nầy, tiếng Pháp là chuyển ngữ, được giảng dạy trong lớp và các sách giáo khoa viết bằng tiếng Pháp. Tại cấp tiểu học, các lớp từ bậc sơ đẳng được dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ, các cấp khác tiếng Việt được học như một ngoại ngữ. Tiếng Anh được dạy như một ngoại ngữ ở bậc Tú Tài. Chữ Hán (hay chữ Nho) là môn học nhiệm ý tại bậc tiểu học, nếu có thầy dạy.

 

image006

Trường Nữ Trung Học Gia Long trong thời Pháp thuộc
(Khánh thành vào ngày ngày 19 tháng 10 năm 1915)

 

image008

Trường Trung Học Phan Thanh Giản trước năm 1975

3. Giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

Sau Hiệp định Genève năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, thành hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc xây dựng một nền giáo dục theo chủ thuyết Mac-Lênin, hướng mục tiêu đến Chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, tại Miền Nam theo chính thể tự do.

Từ năm 1959, nền giáo dục Miền Nam đã lấy nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng làm triết lý giáo dục, và được ghi lại trong hiến pháp 1967.

Ba nguyên tắc căn bản: Nhân bản, Dân tộc và Khai Phóng là mục đích và tôn chỉ của nền giáo dục Miền Nam. Chính những nguyên tắc nầy đã giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng, nhưng không bảo thủ, và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại. (4)

Nhân bản: Nền giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị của con người, đề cao giá trị siêu việt của con người. Con người khác hơn các sinh vật khác, con người có suy tư, có sáng tạo và làm cho đời sống càng ngày càng nâng cao. Con người cần được no cơm, ấm áo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng.

Trong xã hội có những cá nhân khác biệt, nhưng không thể đánh giá con người qua sự khác biệt đó để kỳ thị giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, địa phương, chủng tộc… Do đó, mọi người đều được hưởng đồng đêu về giáo dục.
Đường hướng của nền giáo dục nhân bản là rèn luyện con người có nhân cách, có thái độ sống phù hợp với nguyên tắc đạo lý mà mọi người thừa nhận.

Nhân cách của trẻ thơ chịu ảnh hưởng của mối tương quan giữa môi trường gia đình, học đường, và xã hội. Chính ba yếu tố nầy là môi trường thiết yếu tác động trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của trẻ thơ. Đứa trẻ chịu ảnh hưởng từ hành động của cha mẹ trong gia đình, của thầy cô trong học đường, và những sinh hoạt của xã hội xung quanh. Ngoài ra nội dung, tư tưởng trong các sách giáo khoa cũng tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ, nó in sâu vào tâm não trẻ thơ ngay trong giai đọan đầu cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành.
Do đó, một con người có nhân cách sẽ có lòng yêu thương: yêu gia đình, yêu đồng bào đồng loại và yêu quê hương đất nước.
Nền giáo dục nào không tôn trọng nhân bản của con người sẽ là thế lực phản nhân phẩm, phản đạo đức, phản dân tộc, phản văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.

Dân tộc: Moi giá trị truyền thống, tinh hoa của văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thử thách, thăng trầm của lịch sử, nhưng không bị người Trung Hoa đồng hóa, dù phải trải qua hơn ngàn năm lệ thuộc, nhờ có một nền văn hóa truyền thống đã hun đúc tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, sức đấu tranh bền bỉ và lòng tin vững chắc nơi tương lai của dân tộc.

Một nền giáo dục có tính dân tộc hun đúc con người có tấm lòng yêu nước, thương dân, dám hy sinh để bảo vệ quê hương xứ sở, bảo vệ quyền lợi của quốc gia, không để cho ngoại bang thôn tính dưới bất cứ hình thức nào.

Khai phóng: Tính khai phóng nhằm giúp cho học sinh có thái độ thực tiển trong cuộc sống, một thái độ tự tin, độc lập, sáng tạo, có tinh thần cởi mở, phóng khoáng để tiếp thu tư tưởng tiến bộ, đón nhận tinh thần dân chủ, những kiến thức khoa học, kỹ thuật tân tiến trên thế giới nhằm hiện đại hóa quốc gia. Ngoài việc duy trì và phát huy văn hóa của tiền nhân, chúng ta phải tiếp thu cái tinh hoa của nền văn hóa thế giới để làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc (5)
Tóm lại, nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975 có một triết lý hài hòa, đã tương đối đào tạo ra những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

III. Kết luận

Sau khi nhìn lại nền giáo dục của 3 thời kỳ, có thể kết luận rằng, mục tiêu chính của giáo dục là phải phát triển toàn diện mỗi cá nhân, nhân cách của cá nhân phải được tôn trọng, lưu ý đúng mức khả năng riêng của mỗi cá nhân, và cung ứng mọi phương tiện để học sinh tự phán đoán và lựa chọn. Nung đúc tinh thần quốc gia, dân tộc ở mỗi học sinh, giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, hiểu biết công lao của tiền nhân dựng nước và giữ nước, biết yêu thương đồng bào và đoàn kết chống ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần thực tiển ở mỗi học sinh, hướng dẩn học sinh có trách nhiệm trong sinh hoạt tập thể, có khả năng tư duy để tiếp thu những tiến bộ của khoa học (6)

Tóm lại, mục đích của giáo dục không phải chỉ truyền thụ những kiến thức, mà là đào tạo con người toàn diện, không thể tách rời kiến thức và đạo đức. Đạo đức làm người phải được đề cao, như tình yêu quê hương, đất nước, đức hiếu thảo, yêu thương gia đình, ông bà cha mẹ, yêu thương họ hàng, thân tộc, có lương tâm trong mọi sinh hoạt, có trách nhiệm với tha nhân, góp phần bảo vệ cuộc sống cho xã hội và cho nhân loại.

Ghi chú

1. Ngô Tự Lập (2011). Ba mục đích của giáo dục. Viet-Studies. http://www.viet-studies.info

2. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, NXB Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo dục, 1968, Trang 74-76.

3. Hồ Văn Phi, Ý nghĩa thời đại của lễ, Đàm đạo với Khổng Tử, Vũ Ngọc Quỳnh dịch, Hà Nội, (VN), NXB Văn Học, 2004, trang 132-136.

4. Phạm Cao Dương (2006), Sự liên tục của lịch sử trong nền giáo dục của Miền Nam thời trước năm 1975. Trong Nguyễn Thanh Liêm, Giáo dục ở Miền Nam tự do, Lê Văn Duyệt Foundation, CA (USA), trang 128.

5. Nguyễn Thanh Liêm (2006), Giáo dục ở Miền Nam tự do, Lê Văn Duyệt Foundation, CA (USA), trang 24.

6. Nguyễn thanh Liêm (2006), Giáo dục ở Miền Nam tự do, Lê văn Duyệt Foundation, CA (USA), trang 25-26.

Tài liệu tham khảo khác

1. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, quyển 2, NXB Trung tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn, 1971.

2. Phan Khoang (1971), Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), NXB Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn
(Việt Nam).

3. Trần Bích San (2007), Thi cử và nền giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. http://www.cothommagazine.com





 
%d bloggers like this: